Tin thủy sản Xuất khẩu cá biển có thể đạt mốc 8 tỷ USD vào năm 2030

Xuất khẩu cá biển có thể đạt mốc 8 tỷ USD vào năm 2030

Tác giả H.CHUNG, ngày đăng 10/05/2017

Xuất khẩu cá biển có thể đạt mốc 8 tỷ USD vào năm 2030

Xuất khẩu cá biển có thể đạt 8 tỷ USD vào năm 2030. Đó là thông tin được ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đưa ra tại hội thảo “Phát triển nghề nuôi cá biển quy mô lớn bền vững phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam” do VSA phối hợp với Hội đồng xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 5/5. 

Một tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài) cập cảng Quy Nhơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới. Sản lượng hải sản xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì sản lượng nuôi biển hàng năm (bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác) có thể đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 30-35 tỷ USD. Riêng nuôi cá biển có thể đạt 1 triệu tấn/năm, kim ngạch 8 tỷ USD trong năm 2030. 

Ông Nguyễn Bá Sơn, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, số lượng lồng, bè nuôi cá biển liên tục tăng trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2016, diện tích cá biển nuôi ao, đầm trên cả nước đạt 6.300 ha và gần 1,2 triệu m3 lồng. Tương ứng với đó, sản lượng cá biển nuôi cũng liên tục tăng lên. 

Nếu như năm 2010 sản ượng cá biển chỉ đạt trên 15.700 tấn, thì đến năm 2016 con số này đã tăng gần gấp đôi, đạt 28.300 tấn. Trong đó, cá song chiếm xấp xỉ 50%, cá giò chiếm 30%, cá vược 7%-8%, cá biển khác chiếm 12-13%. Các tỉnh nuôi cá biển trọng điểm hiện nay là Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu. 

Mặc dù, có nhiều lợi thế, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi đầu tư vào nghề nuôi biển, cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần định vị, xác định rõ thị trường tiêu thụ, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến tình trạng tiêu thụ ùn ứ như nhiều loại sản phẩm nông nghiệp hiện nay. 

Theo ông Lucas Manomaitis, Giám đốc Kỹ thuật nuôi khu vực Đông Nam Á thuộc USSEC, hiện nay, phần lớn nguồn lợi cá biển vùng Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam đang chịu áp lực rất nặng nề hoặc đã bị khai thác quá mức, nguồn cung cấp cá biển khai thác tự nhiên đã và đang tiếp tục giảm sút. Trong khi đó, nhu cầu cá biển chất lượng cao của quốc gia, khu vực và quốc tế đang tăng mạnh. 

Tuy nhiên, nếu phát triển ồ ạt công nghiệp nuôi cá biển ở Đông Nam Á trong các hệ thống nuôi xa bờ, rất có thể thị trường nội địa và nội khối Đông Nam Á sẽ không thể tiêu thụ hết sản lượng cá được tạo ra. 

“Vì vậy, để chuẩn bị phát triển công nghiệp nuôi cá biển, người nuôi và các cơ quan quản lý Nhà nước cần hiểu rõ yêu cầu của khách hàng quốc tế đối với sản phẩm cá biển nuôi. Trong đó, cần tập trung vào vấn đề sản lượng cần thiết, yêu cầu chất lượng, yếu tố phát triển bền vững và những vấn đề cần xem xét khi chuyển từ ngành nuôi quy mô tương đối nhỏ sang sản xuất lớn,” ông Lucas Manomaitis nói. 

Để ngành nuôi biển phát triển trong thời gian tới, đại diện VSA cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách quốc gia để thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ ngành phát triển bền vững; trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: bổ sung trang trại nuôi biển công nghiệp và hoạt động nuôi biển vào danh mục được hưởng quyền lợi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; thành lập nhóm chỉ đạo nuôi biển công nghiệp; thiết lập và thực hiện chương trình giám sát và kiểm tra môi trường nuôi biển, chương trình tái tạo môi trường sinh thái biển…/.


Nghề nuôi biển phải chuyển mạnh sang quy mô lớn, công nghiệp Nghề nuôi biển phải chuyển mạnh sang quy… Tôm Việt Nam vào Mỹ chịu thuế chống bán phá giá thêm 5 năm Tôm Việt Nam vào Mỹ chịu thuế chống…