Xuất khẩu cà phê lao đao
Diễn biến thị trường của niên vụ cà phê 2014-2015 khá phức tạp, khiến cho giới kinh doanh cà phê choáng váng, lượng hàng tồn hiện đang ở mức cao.
Một năm lao dốc
Đầu mùa cà phê ở niên vụ 2014 - 2015 (bắt đầu tháng 10 - 2014) sau khi giá cà phê chạm đỉnh ở mức 42 ngàn đồng/kg thì bắt đầu tụt dốc.
Ông Nguyễn Huy Phước, chủ một vườn cà phê ở huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai), cho biết đầu mùa thu hoạch năm nay cà phê có giá khá tốt nên nhiều người hy vọng đến giữa và cuối vụ, giá cà phê có thể lên khoảng 45 ngàn đồng/kg, nhưng điều đó đã không xảy ra.
“Tôi chờ mãi đến tháng 7 vừa qua mới bán 2 tấn cà phê với giá 37 ngàn đồng/kg, so với hiện nay giá 34 ngàn đồng/kg vẫn còn may.
Không hiểu sao giá cà phê năm nay thấp đến thế, với mức này thì người trồng cà phê không có lãi” - ông Phước nói. Thực tế, giá cà phê đầu vụ đạt ngưỡng 42 ngàn đồng/kg, nhưng chỉ duy trì chóng vánh trong nửa tháng 10-2014, sau đó liên tục lao dốc, xuống còn 39 ngàn đồng/kg. Sau đó còn 37 ngàn đồng/kg, rồi 35 ngàn đồng/kg và đầu tháng 9 này đã xác lập đáy ở mức 34 ngàn đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hòa ở TX.Long Khánh, người chuyên mua cà phê ở các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ, cho hay buôn bán cà phê năm nay khá áp lực do giá không ổn định, giá xuống nhiều hơn lên. Gần như suốt mùa cà phê này, bà không mua trữ hàng như những năm trước mà mua đến đâu bán ngay đến đó cho các đại lý lớn.
Ngay đầu vụ, bà đã chịu lỗ gần 6 tấn cà phê mua giá cao nhưng bán giá thấp. Theo bà Hòa, năm nay nhiều đại lý lớn trữ hàng sẽ bị lỗ và rất lo khi giá liên tục ở mức thấp.
“Cuộc chiến” tiền tệ
Đánh giá của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, ước lượng tồn kho gối vụ cà phê năm nay trên 300 ngàn tấn, cao gấp 3 lần so với những năm bình thường. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 8 tháng năm nay giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, niên vụ cà phê 2015-2016 đã cận kề khiến lượng hàng tồn kho này sẽ thêm áp lực cho ngành cà phê Việt Nam.
Theo bà Dương Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc bộ phân kinh doanh xuất khẩu cà phê của Tổng công ty Tín Nghĩa, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam theo thị trường cà phê thế giới (sàn kỳ hạn robusta London). Giá cà phê giảm mạnh ở đây không phải do yếu tố cung cầu mà do các nhà đầu cơ trên thế giới đang “làm giá”.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, một nguyên nhân nữa khá quan trọng khiến giá cà phê Việt Nam bất lợi là do đồng real Brazil và một số nội tệ của các nước xuất khẩu cà phê đã liên tục phá giá.
Đơn cử, trong gần 1 năm qua đồng real Brazil đã mất gần 40% giá trị so với USD. Đồng tiền của quốc gia số 1 thế giới về trồng xuất khẩu cà phê này ở mức thấp đã tạo cơ hội tốt cho việc xuất khẩu cà phê của nước này. Ở châu Á, quốc gia cạnh tranh về xuất khẩu cà phê robusta với Việt Nam là Indonesia cũng phá giá đồng rupiah, giảm khoảng 20%.
Theo phân tích của giới kinh doanh cà phê, các nước phá giá đồng tiền khuyến khích xuất khẩu nên đẩy lượng cà phê ra thị trường rất mạnh. Mặc dù Brazil là nước trồng xuất khẩu cà phê arabica nhưng vẫn ảnh hưởng đến thị trường cà phê robusta của Việt Nam, do nơi đây hút các nhà kinh doanh về đó.
Như vậy, một mùa thu hoạch cà phê mới chuẩn bị bắt đầu nhưng diễn biến giá cà phê trên thị trường thế giới vẫn còn khá phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ