Mô hình kinh tế Xuất khẩu cá tra giảm cả lượng và giá

Xuất khẩu cá tra giảm cả lượng và giá

Ngày đăng 25/11/2015

Xuất khẩu cá tra giảm cả lượng và giá

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2015, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU đều sụt giảm.

10 tháng qua, hai thị trường này chiếm tới 38,8% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ đạt 260,7 triệu USD, giảm 4,6%, thị trường EU đạt 245,9 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết: Không chỉ tiêu thụ chậm mà hai thị trường Mỹ và EU cũng yêu cầu khắt khe và khó tính hơn về chất lượng sản phẩm đối với cá tra Việt Nam, tuy nhiên giá bán lại không tăng, thậm chí nhiều khách hàng vẫn muốn thương lượng giảm giá để mua vào.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường lớn khác là: ASEAN; Mexico và Brazil cũng tiếp tục giảm trong quý III/2015.

Tính đến hết tháng 10, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này giảm lần lượt: 1,9%; 10% và 44,5% so với cùng kỳ năm 2014, nhiều tháng kim ngạch xuất khẩu đã bị rơi xuống mức tăng trưởng âm.

Ngoài ra, cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ với một số sản phẩm thủy sản khác như: cá rô phi, cá thịt trắng, cá hồi….

VASEP cho biết, điểm sáng duy nhất của thị trường cá tra từ đầu năm đến nay là sự tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc với mức tăng ổn định trong nhiều tháng liên tiếp.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng mạnh, lần lượt là 29,6%; 55% và 81,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện nhu cầu nhập khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.

Tuy nhiên, VASEP cũng nhận định đây chỉ là thị trường chuyển hướng trong thời điểm mà các thị trường chất lượng cao, giá cao gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, diện tích và sản lượng cá tra đều giảm, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong quý III/2015, diện tích cá tra nuôi mới đạt 800 ha, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích thu hoạch đạt 813 ha, giảm 15,9% so với quý III/2014; sản lượng thu hoạch đạt trên 82.000 tấn, giảm 8,8% so với quý III/2014.

Tính đến hết quý III, diện tích thả nuôi của 9 tỉnh trọng điểm khu vực đồng bằng sông cửu long đạt 4.121 ha, giảm 7,6%, diện tích thu hoạch đạt 2.694 ha, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Để có thể phát triển sản phẩm cá tra bền vững, các chuyên gia cho rằng chúng ta nên hướng trọng tâm tới một số thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ… từ đó tạo nền tảng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất phù hợp với thực tế.

TS. Siefried Bank - chuyên gia của EU nhận xét: EU đang và sẽ là thị trường quan trọng đối với cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, áp lực cạnh tranh với các loài cá thịt trắng ở thị trường này đã khiến giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam giảm.

Chuyên gia này đề xuất: thị trường EU hoàn toàn có thể tăng từ 19% như hiện nay lên 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong những năm tới nếu Nhà nước và các DN có những chiến lược marketing thương hiệu tốt, phân khúc thị trường, hướng đến các thị trường giá cao, chất lượng cao, bảo đảm sự công khai, minh bạch, trung thực thông tin sản phẩm trên nhãn mác, bao bì.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết: Ngành cá tra đang cố gắng cùng chuyên gia đưa ra 20 sản phẩm thiết kế mới đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu; cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới.


Giá trị càphê Việt Nam vẫn còn thấp trên thị trường thế giới Giá trị càphê Việt Nam vẫn còn thấp…  Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ấn…