Thống kê thủy sản Xuất khẩu cá tra - thị trường rộng mở, sản xuất thu hẹp

Xuất khẩu cá tra - thị trường rộng mở, sản xuất thu hẹp

Tác giả Tạ Hà, ngày đăng 24/09/2021

Xuất khẩu cá tra - thị trường rộng mở, sản xuất thu hẹp

Tháng 8/2021, giá trị XK cá tra Việt Nam giảm 30,66% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cuối tháng 7/2021 khi dịch Covid-19 lan nhanh từ Tp.Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây thì các DN chế biến cá tra Việt Nam hứng chịu đầu tiên. Ngay thời điểm đó, nhiều nhà máy không thể ứng phó kịp đã phải đóng cửa hoàn toàn. Do đó, tháng 8/2021, giá trị XK cá tra Việt Nam giảm 30,66% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 8/2021, sự sụt giảm giá trị XK cá tra nguyên nhân chính không bởi thị trường NK mà công suất của tất cả các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã giảm tối đa. Do đó, giá trị XK sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (trừ Mỹ tăng 10,4%; Mexico tăng 48,8%; Nga tăng 0,4% và Ai Cập tăng 96%). Tuy nhiên đó là nỗ lực để giải phóng đúng hẹn các đơn hàng khi công suất chế biến nhà máy chưa giảm từ từ.

Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ

Tháng 8/2021, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông giảm 46,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 8/2021, tổng giá trị XK sang thị trường này đạt 261,9 triệu USD, giảm 11,5%.

Ngay từ đầu năm 2021, XK cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã không giữ được nhịp độ tăng trưởng mạnh dần đều như các năm trước nữa. Một trong những nguyên nhân lớn là do chính sách hạn chế NK thủy sản của Trung Quốc với yêu cầu test gắt gao hàng thực phẩm NK coronavirus. Mới đây, sản phẩm cá minh thái của Nga cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biện pháp kiểm soát này của Trung Quốc.

Trước đó, Nga đã dự tính trước một phần chiến dịch bảo toàn sản phẩm XK tránh bị nhiễm Covid khi chọn Busan trở thành trung tâm mới để chuyển sản phẩm cá minh thái có đầu và rút ruột (H&G). Tuy nhiên, việc vận chuyển cá minh thái trực tiếp từ ngư trường vào Trung Quốc gặp rất nhiều sóng gió.

Tháng 8/2021, may mắn khi các DN cá tra được hưởng mức thuế CBPG tốt vẫn cố gắng tận dụng cơ hội khi thị trường Mỹ rộng cửa NK sản phẩm cá tra đông lạnh NK nên giá trị XK trong tháng này vẫn đạt gần 23 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên so với tháng trước, giá trị XK cá tra sang Mỹ đã giảm hơn 10 triệu USD.

Mexico và Brazil

Hai thị trường XK cá tra tiềm năng tại khu vực Mỹ Latinh này được trông đợi nhiều trong năm nay do nhu cầu gia tăng sau Covid-19. Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều DN chế biến cá tra sang Brazil và Mexico vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, chống dịch và giảm tối đa công suất, thiếu lao động.

Tháng 8/2021, giá trị XK cá tra sang Mexico đạt 3,84 triệu USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ nhưng đã giảm 29,6% so với tháng 7/2021. Tính đến hết tháng 8/2021, tổng giá trị XK cá tra sang Mexico đạt 46,3 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 8/2021, giá trị XK cá tra sang Brazil cũng 3,09%, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 45% so với tháng trước đó.

Hiện nay, nhu cầu NK cá tra, cá thịt trắng của Mexico và Brazil tương đối tốt, do đó, điều quan trọng với DN cá tra Việt Nam đang XK sang hai thị trường này chính là sớm ổn định sản xuất, công suất và đáp ứng tốt hơn các đơn hàng.

Ngoài ra, một số thị trường mới nổi trong năm 2021 đang hứa hẹn nhiều hi vọng như: Colombia, Nga, Ai Cập. Tính đến hết tháng 8/2021, tổng giá trị XK cá tra sang các thị trường này đạt lần lượt: 28,11 triệu USD; 23,7 triệu USD và 18,7 triệu USD, tăng lần lượt: 65,7%; 113,7% và 87,6% so với cùng kỳ năm 2020.


Tháng 7/2021 - Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng trong tháng thứ tám liên tiếp Tháng 7/2021 - Nhập khẩu tôm của Mỹ… Tháng 8/2021 xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt mức cao kỷ lục Tháng 8/2021 xuất khẩu thủy sản của Na…