Thống kê nông sản Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2021 giảm cả lượng, kim ngạch nhưng giá tăng

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2021 giảm cả lượng, kim ngạch nhưng giá tăng

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 17/06/2021

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2021 giảm cả lượng, kim ngạch nhưng giá tăng

5 tháng đầu năm 2021 cả nước xuất khẩu gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giá trung bình 542,8 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 5/2021 giảm trở lại sau 2 tháng tăng liên tiếp; cụ thể tháng 5/2021 cả nước xuất khẩu 626.750 tấn gạo, tương đương 339,05 triệu USD, giá trung bình 541 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2021, với mức giảm tương ứng 19,9%, 20,1% và 0,3%; so với tháng 5/2020 cũng giảm 34,3% về lượng và giảm 31,2% về kim ngạch nhưng giá tăng 4,8%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cả nước xuất khẩu gần 2,6 triệu tấn gạo, tương đương 1,41 tỷ USD, giá trung bình 542,8 USD/tấn, giảm 16% về lượng, giảm 6% về kim ngạch nhưng giá tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Philippines vẫn luôn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sang thị trường này đạt 944.008 tấn, tương đương 501,97 triệu USD, giá trung bình 531,8 USD/tấn, giảm 27,5% về lượng và giảm 16% về kim ngạch nhưng giá tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; riêng tháng 6/2021 xuất khẩu đạt 229.330 tấn, tương đương 121,09 triệu USD, giá trung bình 528 USD/tấn, giảm 25% cả về lượng và kim ngạch, giá cũng giảm 0,6% so với tháng 4/2021.

Trung Quốc vẫn duy trì ở vị trí thứ 2, chiếm trên 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 482.848 tấn, tương đương 252,95 triệu USD, giá trung bình 523,9 USD/tấn, tăng 12,5% về lượng nhưng kim ngạch giảm 1,7% và giá giảm 12,6% so với cùng kỳ; riêng tháng 6/2021 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 113.712 tấn, tương đương 58,84 triệu USD, giá trung bình 517,4 USD/tấn, tăng nhẹ cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2021 với mức tăng tương ứng 1%, 1,5% và 0,6%.

Ghana đứng thứ 3, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 270.068 tấn, tương đương 158,13 triệu USD, giá trung bình 585,5 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng tương ứng 27,8%, 49,3% và 16,8%.

Trong 5 tháng đầu năm 2021 thị trường đáng chú ý nhất là Bangladesh với mức rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch không lớn; cụ thể xuất khẩu sang thị trường này đạt 52.798 tấn, tương đương 31,88 triệu USD, giá 604,9 USD/tấn, tăng rất mạnh 14.107% về lượng và tăng 18.094% về kim ngạch; giá cũng tăng 28%.

Tại thị trường trong nước, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động không đồng nhất giữa các địa phương, nguồn cung cuối vụ ở mức thấp. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 từ mức 5.900 đ/kg vào cuối tháng 4, tăng lên 6.200 đồng/kg vào khoảng giữa tháng 5, sau đó giảm xuống còn 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.100 đồng/kg; gạo thường 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 100 đồng/kg lên 6.900 – 7.000 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 7.100 – 7.200 đồng/kg,…

Trên thị trường thế giới, trong tháng 5/2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè Thu. Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng với mức khoảng 382 USD/tấn. Dịch COVID-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ góp phần khiến cho giá gạo trở nên bất ổn, bất chấp việc chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.

Giá gạo Thái Lan đạt mức 480 USD/tấn vào đầu tháng và giảm xuống 465 USD/tấn vào gần cuối tháng. Nguyên nhân chính là do nhu cầu của thương nhân nước ngoài đối với gạo Thái Lan đang rất thấp, trong khi nguồn cung nội địa khá dồi dào.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản xuất gạo tại Bangladesh dự báo tăng 3,5%, lên 35,8 triệu tấn trong niên vụ kết thúc vào tháng 4 vừa qua do diện tích và năng suất đều tăng.

Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu của thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.


Giá cà phê hôm nay 16/6: Hồi phục nhẹ tại thị trường nội địa và sàn giao dịch London Giá cà phê hôm nay 16/6: Hồi phục… Giá ngũ cốc thế giới hôm nay 16/6: Ngô tăng gần 1% Giá ngũ cốc thế giới hôm nay 16/6:…