Xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc, con dao hai lưỡi
Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật. Do đó, việc Việt Nam xuất khẩu lợn tiểu ngạch...
Để giải quyết lâu dài với ngành chăn nuôi lợn Việt Nam cần chủ động hạn chế bán lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc
Việc giá lợn hơi xuống thấp nhất lịch sử trong vòng 10 năm trở lại đây, một mặt khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, song xét trên khía cạnh lâu dài đây lại là “nốt trầm” cần thiết để sắp xếp lại cuộc chơi cũng như là lúc ngành có cái nhìn rõ nét hơn giống vật nuôi đang chiếm tỉ trọng lớn nhất Việt Nam này.
Trong rủi có may
Khi giá lợn hơi lên trên 50.000 đồng/kg, mỗi con lợn nuôi sau 4 tháng lãi từ 400.000 - 700.000 đồng, chứng kiến rất nhiều người thân, họ hàng sốt sắng xây chuồng, tái đàn, mua lợn nái, lợn con về nuôi tôi đã ra sức khuyên can nhưng không cản nổi, bởi ai cũng nghĩ với đà này chắc còn lâu giá mới xuống.
Nhưng không, giá lợn xuống nhanh tới mức vượt xa dự kiến của hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp và chủ trại. Nguyên nhân hầu như ai cũng biết là do thị trường Trung Quốc dừng thu mua cộng nguồn cung tăng đột biến vượt quá xa nhu cầu trong nước.
Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào nuôi lợn tại quê tôi phát triển đột biến giờ đã tan hoang. Rất nhiều gia đình vợ chồng đóng cửa tha hương đi làm thuê để lấy tiền trả nợ do thua lỗ chóng vánh.
Song, trong cái rủi lại có cái may, bởi nếu không có sự cố này chắc cả làng tôi sẽ phải sống chung lâu dài với ô nhiễm môi trường và chất thải lợn. Có một thực tế, tại các vùng nông thôn nước ta, ai cũng có thể xây chuồng, nuôi lợn ngay giữa khu dân cư mà không cần bất cứ điều kiện nào.
Việc đàn lợn tăng đột biến thời gian qua nguyên nhân rất lớn đến từ nhóm chăn nuôi không chuyên này. Mất tiền tuy có đau và nhớ lâu thật đấy, nhưng đánh mất môi trường sống hệ lụy và hậu quả nó còn lớn gấp trăm lần.
Ảnh: Nguyên Huân
Từ câu chuyện, lát cắt trên chỉ ra rằng, ngành chăn nuôi của ta đang thực sự mất định hướng và thiếu đồng bộ. Bản thân ngành chăn nuôi và Bộ NN-PTNT trước đây đã từng cảnh báo, nhưng như thế là chưa đủ, nếu không muốn nói có chút sai lầm.
Bởi trong khi khâu giết mổ, chế biến, tiêu thụ lợn của ta hiện quá yếu và thiếu thì khâu điều kiện chăn nuôi lại quá dễ dàng. Do không giải quyết được căn cơ vấn đề này nên chăn nuôi lợn của Việt Nam bao nhiêu năm qua vẫn chỉ chỉ loanh quanh ở thị trường nội địa và Trung Quốc mà không tự quyết được số phận của chính mình.
Nén đau cho tương lai
Quay trở lại cuộc khủng hoảng giá lợn tại Việt Nam hiện nay, mấu chốt đến từ đâu? Câu trả lời ở đây xin được khẳng định trực tiếp do chính chúng ta, sau gián tiếp mới là thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) Nguyễn Trọng Long chia sẻ, khoảng năm 2015 - 2016, tại Trung Quốc do trận rét lịch sử cộng dịch bệnh khiến đầu đàn lợn của nước này giảm mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc siết chặt lại điều kiện môi trường trong chăn nuôi lợn nên một loạt trang trại gần các thành phố lớn, khu đông dân cư phải đóng cửa hoặc di chuyển về các vùng nông thôn.
Do nguồn cung thiếu hụt đột biến, suốt năm 2016 thương lái Trung Quốc sang tận chuồng lợn của Việt Nam thu mua, họ không chỉ mua lợn trên 1 tạ truyền thống như trước mà mua vét cả lợn con, lợn choai khiến giá lợn con có thời điểm lên tới gần 2 triệu đồng/con. Đây là nguyên nhân chính khiến đàn lợn nái của nước ta tăng đột biến trong thời gian qua. Theo thống kê của ngành chăn nuôi tăng khoảng 20%, nhưng con số thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ai cũng biết giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật. Do đó, việc Việt Nam xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không khác gì Trung Quốc bán gà lậu sang Việt Nam.
Nếu như phía bên kia các cơ quan chức năng Trung Quốc lờ đi để họ xuất gà sang Việt Nam thì Việt Nam lại lỏng lẻo để thương lái lùa lợn băng rừng, băng núi sang Trung Quốc. Chỉ cần phía bên kia biên giới chủ trương không cho nhập, chúng ta sẽ trở tay không kịp. Bởi ngoài Trung Quốc, Việt Nam không xuất khẩu được thịt lợn sang bất cứ quốc gia nào.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam không xuất khẩu được thịt lợn sang bất cứ quốc gia nào.
Trao đổi với nhiều doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, chúng tôi nhận được một số giải pháp căn cơ, tuy hơi đau đớn trước mắt, nhưng có triển vọng bền vững lâu dài sau này.
Đầu tiên, bản thân Việt Nam chúng ta cần chủ động hạn chế xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc để không bị chi phối hay rơi vào thế bị động, và tiến tới chỉ cho xuất khẩu chính ngạch khi đã đàm phán được thị trường, đơn hàng. Chỉ những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiềm lực, uy tín, thậm chí là môi trường mới được tham gia xuất khẩu.
Thứ hai, Chính phủ cần có ngay giải pháp về tín dụng để cứu các doanh nghiệp, HTX, trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã nằm trong quy hoạch, cách xa khu dân cư, đáp ứng đầy đủ tiêu chí môi trường. Mục tiêu là hỗ trợ nhập những con giống tốt nhất của nước ngoài, xây dựng chuồng trại hiện đại, qua đó từng bước hạ giá thành lợn hơi xuống mức mục tiêu 33.000 đồng/kg.
Khi giá thành lợn ổn định 33.000 đồng/kg, lúc này chỉ những trang trại đủ tiêu chuẩn mới có thể cạnh tranh được về giá. Làm được việc này, các loại hình phụ trợ cho chăn nuôi như cơ sở an toàn dịch bệnh, nhà máy giết mổ, cơ sở chế biến, hệ thống phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu… mới có điều kiện để phát triển. Lúc đó, Trung Quốc muốn mua lợn của Việt Nam phải đàm phán một cách sòng phẳng, nếu không chúng ta sẽ bán sang thị trường khác.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ