Tin nông nghiệp Xuất khẩu rau quả có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19

Xuất khẩu rau quả có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19

Tác giả Phương Thúy, ngày đăng 03/08/2020

Xuất khẩu rau quả có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 6 năm 2020 ước đạt 285 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỉ USD, giảm 12,2% so với cùng kì năm 2019.

Trừ thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm, hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4%; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,8%; Mỹ đạt 62 triệu USD, tăng hơn 6%, Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,5%; Hà Lan đạt 34 triệu USD, tăng 9%…

Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thời gian tới, xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó, sẽ xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, gần 50 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore từ cảng Hải Phòng trong tháng 6/2020. Năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lí đóng gói qua kênh nhập khẩu chính thức của Tập đoàn bán lẻ FairPrice đã được đưa vào thị trường Singapore với qui mô lớn.

Việt Nam đã xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản, kể cả lô vải thiều xuất khẩu bằng đường biển. Lô vải xuất khẩu bằng đường biển vẫn giữ được màu sắc tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Việc xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.

EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, qui mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kì lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU.

Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.

Qua số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu hàng rau quả có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, như việc trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc; quả vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ; thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng trái thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; trái nhãn Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới...

Cùng với đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng để xuất khẩu được vào khối thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.


Trồng rong nho rủi ro ít, lợi nhuận cao Trồng rong nho rủi ro ít, lợi nhuận… Trồng rau trong nhà kín 'ăn nên làm ra' Trồng rau trong nhà kín 'ăn nên làm…