Xuất khẩu rau quả với mục tiêu 4,5 tỷ USD
Theo thống kê của Tổ chức FAO, trong 9 năm (2004- 2013) giá trị nhập khẩu rau quả toàn thế giới luôn ở mức trên 100 tỷ USD/năm, bình quân tăng 12,2%/năm. Rau quả có tác dụng tốt cho sức khỏe con người, nên nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tiếp tục tăng.
Thu hoạch khóm ở Hậu Giang đưa đi chế biến, xuất khẩu . Ảnh: HUỲNH LỢI
Từ dự báo trên, Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển cây ăn trái. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây ăn trái cả nước nâng lên khoảng 910.000ha, sản lượng 9,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu rau quả khoảng 4,5 tỷ USD…
Khẳng định tính hiệu quả
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng từ 151 triệu USD năm 2003, lên mốc 1,07 tỷ USD năm 2013. Năm 2016, xuất khẩu rau quả tăng tốc lên mức 2,458 tỷ USD (trong đó các sản phẩm trái cây chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu) và 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt tới 3,16 tỷ USD, tăng hơn 43% so cùng kỳ, một con số ấn tượng.
Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp và nông dân tiêu thụ trái cây dễ dàng, thu về lợi nhuận cao. Ông Dương Văn Lợi, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Năm nay chôm chôm vụ nghịch sốt giá tới 40.000 - 50.000 đồng/kg, còn sầu riêng hạt lép có lúc lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg… nên ai cũng có lãi nhiều”.
Cùng niềm vui trên, bà Hồ Kim Thoa, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tâm sự: “Vùng này trước đây trồng lúa cho thu nhập không bao nhiêu khiến người dân chật vật. Từ khi chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Bình quân 1ha bưởi da xanh nếu chăm sóc tốt và bán được giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng/năm. Cũng nhờ trúng trái cây mà gia đình bây giờ khá giả”.
Đi dọc các xã Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu, Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đâu đâu cũng thấy vườn cây ăn trái bạt ngàn. Nhiều hộ dân cho biết, những vườn quýt hồng, quýt đường, cam xoàn… giúp bà con ở đây xây nhà tường, nuôi con vào đại học và nay đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. “Hiệu quả của cây ăn trái tạo đà cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển trên nhiều mặt. Lai Vung xác định cây ăn trái là thế mạnh và sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới”, ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung tiết lộ.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, năm 2017, hiệu quả từ việc trồng xoài cát Hòa Lộc cho lợi nhuận tới khoảng 223 triệu đồng/ha, nhãn Edor 400 triệu đồng/ha, quýt đường 380 triệu đồng/ha, quýt hồng 370 triệu đồng/ha, cam xoàn khoảng 500 triệu đồng/ha… cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bộ NN-PTNT nhìn nhận, từ hiệu quả mang lại nên thời gian qua nhiều địa phương đẩy mạnh mở rộng cây ăn trái, trong đó giai đoạn từ 2011 - 2016, nhóm cây ăn trái chủ lực tăng hơn 4,2%. Tổng diện tích cây ăn trái cả nước năm 2016 hơn 857.000ha, tăng 9,9% so với năm 2010 (là 779.000ha).
Tiếp tục đầu tư đồng bộ
Dù sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái có bước tiến nhảy vọt, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để đạt mục tiêu xuất khẩu rau quả khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2020 thì còn nhiều việc phải làm.
Để gỡ khó cho cây ăn trái, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ ban hành một số chính sách mới nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trái cây như: hỗ trợ chuyển đổi giống mới, cải tạo vườn tạp thành vùng tập trung, tổ chức vùng sản xuất trái cây liên kết rải vụ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất an toàn, chính sách khuyến nông, chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và nhà khoa học, xây dựng mã số cho vùng sản xuất trái cây tập trung phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; chính sách hỗ trợ trong bảo quản, chế biến, sau thu hoạch; xem xét miễn giảm thuế, phí kho bãi, vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: “Ngoài những thành công trên thì hạn chế lớn nhất của sản xuất trái cây hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên khó cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Năng suất trái cây dù có cải thiện nhưng so ra vẫn còn thấp hơn bình quân chung của thế giới và khu vực. Cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất trái cây tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng tốc độ phát triển diện tích. Việc tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, phía doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom từ thương lái, nên khó khăn trong truy suất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm phát triển. Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu sâu, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, nhất là những thị trường lớn. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu quả tươi chiếm quá lớn, khoảng 80%; ngoài ra, cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu và những yêu cầu về an toàn thực phẩm… Tất cả là những cái khó mà trái cây nước ta cần khắc phục trong thời gian tới”.
Theo tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khâu chế biến trái cây hiện nay còn yếu, vì thế giá trị xuất khẩu mang về chưa tương xứng, cải thiện việc này cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn.
Đồng tình, ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sơ kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) tâm sự: “Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Điển hình như cơ sở Hương Miền Tây đầu tư kho lạnh 1.400 tấn để bảo quản, dự trữ bưởi da xanh đã “ngốn” kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Vào vụ thu hoạch rộ bưởi da xanh từ tháng 7 đến Tết Nguyên đán hàng năm, mỗi ngày Hương Miền Tây thu mua hơn 100 tấn bưởi, cần khoảng 4 tỷ đồng/ngày. Nhưng khi doanh nghiệp đề nghị vay vốn thì các ngân hàng giải ngân hạn chế, từ đó gặp khó trong thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu trái cây”.
Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đề xuất, ngành chức năng quan tâm đầu tư mạnh hơn cho cây ăn trái trên nhiều mặt, nhất là việc thu hút nhiều doanh nghiệp xuất khẩu; song song đó, Trung ương có chủ trương bố trí vốn kêu gọi từ nước ngoài, vốn ngân sách… thực hiện các dự án nghiên cứu sâu về cây ăn trái từ việc lai tạo giống, quy trình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm phát triển bền vững cây ăn trái.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ