Thống kê thủy sản Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đạt 1,5 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đạt 1,5 tỷ USD

Tác giả Phương Thúy, ngày đăng 09/03/2022

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đạt 1,5 tỷ USD

Với mức tăng hơn 60% trong tháng 2/2022 đã đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 2 tháng đầu năm lần đầu chạm mốc 1,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng 44%, đạt 872 triệu USD trong tháng đầu năm, XK thủy sản sang tháng 2 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62%, ước đạt 635 triệu USD. 2 tháng đầu năm, XK thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong tháng 2, cả hai mặt hàng thủy sản XK chủ lực đều tăng ở mức cao. Đứng đầu là XK cá tra tăng mạnh nhất, với con số 127%, đạt 171 triệu USD; lũy kế 2 tháng đầu năm, cá tra đạt doanh số XK 384 triệu USD, tăng 93%. XK tôm trong tháng qua cũng tăng 50% so với cùng kỳ đạt 237 triệu USD, đưa kết quả 2 tháng đầu năm lên 550 triệu USD, tăng 46%.

Bên cạnh đó, các mặt hàng hải sản XK đều tăng mạnh từ 30-90% so với tháng 2/2021. XK cá ngừ trong tháng 2 đạt 68 triệu USD, 2 tháng đầu năm mang về 156 triệu USD, tăng 83%. XK mực, bạch tuộc tháng 2 đạt 34 triệu USD, tăng 47% và 2 tháng đầu năm mang về con số 97 triệu USD, tăng 45%.

Theo phân tích của VASEP, nhu cầu của các thị trường đều rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tại Mỹ, thủy sản đông lạnh đang được ưa chuộng hơn thủy sản tươi sống. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng tập trung vào thực phẩm tiện dụng, đồ chế biến sẵn, ăn liền và đồ bảo quản lâu. Trong tháng 2, Mỹ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tăng 85% với 146 triệu USD và 2 tháng cuối năm, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt 346 triệu USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi XK sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng 2-3 con số, XK sang Nhật trong tháng 2 chỉ tăng 8%, đạt 75 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm thị trường này nhập khẩu 209 triệu USD thủy sản từ Việt Nam, tăng 15%. So với các thị trường lớn, Nhật Bản đang trong tình trạng trì trệ kinh tế, mặt bằng lương tăng rất chậm, trong khi đó thuế tiêu dùng tại nước này tăng liên tục từ 3% lên tới 10%, ảnh hưởng thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng.

Kết quả đáng mừng đối với doanh nghiệp thủy sản đó là XK sang Trung Quốc đã có những tín hiệu phục hồi tích cực từ tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh 135% trong tháng 2, đạt 91 triệu USD. Hai tháng đầu năm XK thủy sản sang thị trường này đạt 168 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù, các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặt biệt lại được đưa ra vào thời điểm các cơ quan Hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch Covid-19, nhưng không phải là trở ngại chính của các công ty XK sang thị trường này. Vấn đề lớn nhất hiện nay, các doanh nghiệp XK cần kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid-19.

Bên cạnh đó, XK thủy sản sang các thị trường truyền thống khác đều tăng mạnh trong tháng 2. Trong đó XK sang Hàn Quốc tăng 48%, sang Canada tăng 55%, sang Australia tăng 64%. Đáng lưu ý là XK sang Đức tăng 140%, sang Bỉ tăng 11%...

Với kết quả tích trên, theo dự báo của VASEP, XK những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh. Tuy nhiên, chiến sự Nga – Ukraine ít nhiều đang tác động đến việc XK sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng XK thủy sản Việt Nam: Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%. Xung đột này sẽ làm tăng giá xăng dầu và kéo theo hàng loạt các chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của các công ty thủy sản.

Hiện các doanh nghiệp chế biến XK thủy sản Việt Nam đang tiếp tục mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động để thực hiện các đơn hàng XK trong những tháng tiếp theo.


Sản phẩm tôm nhập khẩu của Nhật Bản, QIII/2021 theo giá trị Sản phẩm tôm nhập khẩu của Nhật Bản,… Nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản, QI - QIII/2021 theo giá trị Nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản, QI…