Tin thủy sản Xuất khẩu thủy sản dự báo vẫn tăng trưởng tốt

Xuất khẩu thủy sản dự báo vẫn tăng trưởng tốt

Tác giả Nguyễn Anh, ngày đăng 08/01/2019

Xuất khẩu thủy sản dự báo vẫn tăng trưởng tốt

Mặc dù đối diện cuộc chiến thương mại trên thế giới diễn ra phức tạp, gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp của các quốc gia được đẩy lên cao. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm qua vẫn thành công. Năm 2019, dự báo sẽ còn gặp khó khăn ở nhiều thị trường, tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng tốt.

Thủy sản Việt Nam dự báo sẽ còn gặp khó khăn ở nhiều thị trường 

Con tôm biến động mạnh

Hiếm có năm nào xuất khẩu tôm lại biến động khó lường như năm 2018. Chính sách bảo hộ ngành tôm của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường thế giới dẫn tới việc lượng tôm nguyên liệu dư thừa, nhiều vùng nuôi trên thế giới điêu đứng. Khoảng giữa năm 2018,  giá tôm thẻ nguyên liệu sụt giảm, loại 100 con/kg chỉ còn 60.000 - 70.000 đồng/kg, người nuôi tôm lỗ vốn hoặc không có lời. Mãi đến tháng 12/2018, giá tôm mới phục hồi ở mức 95.000 đồng/kg.

Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đề xướng để bảo hộ trong nước đã ảnh hưởng nhất định tới kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam tại đây. 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì tỷ trọng 81% trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang Mỹ với 540,4 triệu USD. Tuy nhiên, nếu so với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD vào Mỹ năm 2014 thì rõ ràng tăng trưởng xuất khẩu tôm thẻ tại thị trường này vẫn là một bài toán khó. Từ sau năm 2012, tôm sú Việt Nam đã không còn chiếm ưu thế tại thị trường Mỹ, trong khi đó tôm thẻ chân trắng lại chịu sự cạnh tranh lớn từ các nhà xuất khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan…  Những chính sách bảo hộ của Mỹ đã khiến các nhà nhập khẩu lao đao. Tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ 9 tháng đạt gần 492.000 tấn, trị giá 4,4 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của VASEP cho thấy, đến 15/11/2018, xuất khẩu tôm sang Anh đạt 212,1 triệu USD, cao hơn giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh của cả năm 2017 (212,1 triệu USD). Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này có xu hướng ngày càng tăng do Anh đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm có mức giá phải chăng thay thế cho tôm nước lạnh. Có thể nói, Anh là một thị trường đáng lưu tâm của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong khối EU vì doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong xuất khẩu sang EU. Mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh.

Cá tra khẳng định

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 15/11/2018 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,4% so cùng kỳ năm 2017; trong đó các thị trường có tỷ trọng cao là Trung Quốc-Hồng Kông, Mỹ, EU, ASEAN… Trong đó, nổi bật là thị trường Trung Quốc, khi chiếm vị trí số 1 với kim ngạch đạt đạt 459,2 triệu USD, tăng 30,1%; tiếp đến là Mỹ với giá trị 457, 5 triệu USD, tăng 49,9%; EU dạt 206, 7 triệu USD, tăng 15,6%...

Tại thị trường Nhật Bản, cá tra Việt Nam được ưa chuộng, khi một công ty tại Nhật nhận xét cá tra Việt xuất sang đây có chất lượng không thua kém cá hồi về độ ngon, dinh dưỡng. Ông Nobuyoshi Kan, Trưởng đại diện Công ty Ocean Trading (phân phối cá tra Việt ở thị trường Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết, người Nhật vốn thích ăn cá biển nhưng đã chấp nhận cá tra Việt Nam, một loài cá nuôi nước ngọt.  Cá tra rất tốt, nhiều omega 3, không thua kém cá hồi, cá ngừ. Để đẩy mạnh tiêu thụ, cá tra được chế biến thành nhiều món ngon tiện dụng và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Nhật. Tại Nhật Bản, cá tra còn được làm sushi như cá ngừ, cá hồi. Bà Ngô Thị Thức, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản  cho hay, ngành cá tra Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp cá tra, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường xuất khẩu.  

Hấp dẫn cá ngừ

Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc 11 tháng qua đạt tương ứng 600 triệu USD và 609 triệu USD, tăng lần lượt 11% và 7% so cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, trong bối cảnh xuất khẩu tôm giảm do nguồn cung trên thế giới quá dồi dào thì nhóm mặt hàng cá ngừ và bạch tuộc lại rất khả quan đã giúp cho bức tranh xuất khẩu của ngành thủy sản được cải thiện.

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đến 15/11/2018 đạt 568,8 triệu USD, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, Mỹ, EU, Israel là những thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt Israel là thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất, với trị giá 56,1 triệu USD, tăng tới 50,2%. Theo nhận định của các doanh nghiệp, Israel tiếp tục là thị trường thay thế tiềm năng cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản bão hòa. VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ sang không chỉ Israel, mà sang một số nước Trung Đông khác như Ai Cập, sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Cần minh bạch

Năm 201, xuất khẩu thủy sản được đánh giá là khá thuận lợi cho Việt Nam khi các sản phẩm của chúng ta vẫn chiếm lĩnh các thị trường lớn trên thế giới và giữ đà tăng trưởng liên tục nhiều năm liền.

Cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc và chủ nghĩa bảo hộ khiến cho nguồn cung của thủy, hải sản thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều. Các chuyên gia Ấn Độ dự kiến, nước này sẽ phải giảm khoảng 30% diện tích nuôi tôm khi các thị trường thu hẹp. Tuy nhiên, thực tế thì việc đánh bắt thủy, hải sản trên thế giới ngày càng bị kiểm soát và trở nên khó khăn, do vậy nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản nuôi trồng vẫn rất cao. Việc thủy sản, nhất là tôm khan hiếm trong dịp Noel và cuối năm 2018 đã chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ hải sản vẫn rất lớn.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra 2018 có thể đạt kỷ lục 2,1 - 2,2 tỷ USD và dự kiến tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm 2019, song xu hướng truy xuất nguồn gốc cá tra xuất khẩu cũng đang trở thành xu thế tất yếu. Xuất khẩu cá ngừ cũng sẽ phụ thuộc vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng minh được các sản phẩm đánh bắt hợp pháp. Những chính sách chống đánh bắt trái phép đã khiến cho sản phẩm cá ngừ trở nên rất “hot” trên các thị trường. Song xuất khẩu các ngừ là con dao hai lưỡi, nếu như sản phẩm đánh bắt không chứng minh được nguồn gốc đánh bắt hợp pháp.

Các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững trong năm 2019 và những năm tiếp theo, việc nuôi trồng theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc cần được thực hiện trên diện rộng. Mỗi thị trường, mỗi sản phẩm đều có những bộ tiêu chuẩn khác nhau, song việc thực hiện Nghị định 59/2005/NĐ-CP, siết chặt việc quản lý cấp phép NTTS sẽ giúp cho hệ thống cơ sở vật chất cũng như quy trình nuôi trồng đảm bảo bền vững, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường. Muốn vậy, chính phủ và các ban ngành cần có những biện pháp và nguồn tài chính hỗ trợ cho người nông dân, các tổ hợp tác… hoàn thiện các thủ tục cấp phép, quản lý NTTS đảm bảo các yếu tố vệ sinh, ATTP… phục vụ xuất khẩu tốt hơn nữa. Những vùng nuôi thường xảy ra dịch bệnh, cần thiết phải có sự hỗ trợ tốt hơn nữa từ chính quyền, để người dân có thể khắc phục được thiện hại, có nguồn lực tái sản xuất, qua đó giúp duy trì và phát triển diện tích, sản lượng trong năm 2019. 

>> PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Kinh tế, Học viện Tài chính cho biết, chúng ta cần phải tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đẩy mạnh sản xuất và gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường xây dựng vùng nguyên, nhiên vật liệu trong nước thay thế cho nhập khẩu; đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy chế biến, chế tạo để tạo ra các nguyên vật, liệu, các sản phẩm đầu vào để dần thay thế hàng nhập khẩu.


Nuôi lươn vùng ngập lũ: Thu 60 triệu đồng từ 70 cặp lươn bố mẹ Nuôi lươn vùng ngập lũ: Thu 60 triệu… Cargill ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để quản lý ATTP Cargill ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi…