Xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc
Ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Trung Sơn cho biết, từ cuối tuần trước, chúng tôi đã tập trung công nhân để vệ sinh máy móc, thiết bị, để đúng ngày làm việc chính thức (15/2) sẽ bắt tay vào việc ngay cho kịp tiến độ giao hàng.
Điều đáng mừng là đến thời điểm này chúng tôi đã có đủ đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh đến cuối năm 2016, giờ chỉ lo chế biến để kịp giao cho khách hàng. Tại nhà máy chế biến của Cty ở huyện Kiên Lương, chúng tôi đang có 600 công nhân, dự kiến sẽ tuyển thêm 200 công nhân nữa.
Về nguyên liệu chế biến, chúng tôi chủ động từ ao nuôi, hiện đã thả giống, công nhân làm việc liên tục cả trong những ngày nghỉ Tết để chăm sóc. Ngoài ra, lúc nào trong kho lạnh (hơn 1.000 tấn) cũng có nguồn tôm dự trữ đủ duy trì cho nhà máy hoạt động trong khoảng 2 tháng.
Theo ông Tâm, kế hoạch năm 2016 của Cty là đưa nhà máy chế biến tại Kiên Lương hoạt động đạt 100% công suất thiết kế, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20 triệu USD (năm 2015 đạt 12 triệu USD).
“Phương hướng phát triển của Cty là đầu tư theo chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu cho đến chế biến, xuất khẩu. Đồng thời đầu tư công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng chứ không chạy theo sản lượng”, ông Tâm nói.
Tại Cà Mau, năm 2015, được đánh giá là năm nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản, từ việc phát triển nuôi của người dân đến xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp đều gặp khá nhiều khó khăn. Cơ bản, giá trị xuất khẩu thủy sản của các đơn vị đều giảm. Tại Cà Mau, giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh chỉ đạt khoảng 960 triệu USD. Thực tế kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt chưa đến 80% so với kế hoạch, và giảm gần 20% so với năm 2014.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản năm qua tệ nhất trong nhiều năm nay.
Nguyên nhân chính được đề cập đến là do các nước điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ. Trong năm 2015, nhiều quốc gia thực hiện nhiều đợt điều chỉnh tỷ giá, giảm giá so với đồng USD như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Từ đó, giá bán tôm của Việt Nam đắt hơn giá bán tôm của các nước nói trên. Điều này cũng kéo theo sức mua tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… sụt giảm mạnh.
Một nguyên nhân nữa là do nguồn cung thủy sản trên thị trường thế giới dồi dào; trong đó, Trung Quốc tăng 500.000 tấn, Ấn Độ tăng 130.000 tấn, Indonesia tăng 100.000 tấn, Thái Lan tăng 80.000 tấn, Ecuador tăng 50.000 tấn, dẫn đến việc cạnh tranh giảm giá ngày càng quyết liệt để giành thị phần, làm giá tôm giảm mạnh. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam lại cao hơn các nước, người nuôi không mặn mà đầu tư.
Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu hiện nay cao hơn cùng kỳ, thị trường xuất khẩu cũng khá ổn định. Cụ thể, Hội Chế biến – Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết, giai đoạn đầu năm 2016, tình hình xuất khẩu thủy sản đã có những tiến triển tốt, ước giá trị xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng khoảng hơn 10% so với năm 2015. Tính riêng tháng 1 năm 2016, giá trị thủy sản ước đạt 75 triệu USD, cao hơn cùng kỳ khoảng 20 triệu USD.
Trên cơ sở đó, ông Ngô Thanh Lĩnh đánh giá, xuất khẩu năm 2016 sẽ khởi sắc hơn. Tuy vậy, ông Lĩnh vẫn tỏ ra lo lắng, hiện nay bà con thả nuôi rất ít, sản lượng tôm cung ứng không đủ. Để khắc phục thực trạng này ông Lĩnh đề nghị, phải có biện pháp phù hợp nhằm giảm giá đầu vào trong nuôi trồng thủy sản.
Các DN chủ động vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến
“Giá dầu giảm, rất nhiều mặt hàng đồng loạt giảm giá. Nhưng tôi thấy lạ khi giá vật tư, thuốc thú y thủy sản luôn duy trì và tăng đều. Hiện nay giá thức ăn của chúng ta đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, tại sao lại có vấn đề này? Ngành chức năng cần giải bài toán này để cứu người nuôi và vực dậy ngành thủy sản”, ông Lĩnh nói.
Là tập đoàn đứng đầu về XNK thủy sản trong năm qua, giá trị xuất khẩu của Cty CP Tập đoàn XNK Thủy sản Minh Phú giảm khoảng 30%, chỉ đạt khoảng 500 triệu USD. Đánh giá về tình hình chung, một lãnh đạo của Cty Minh Phú cho biết, tuy là xuất khẩu giai đoạn đầu năm nay tốt hơn cùng kỳ, nhưng khó khăn vẫn có, đặc biệt nguồn cung ứng nguyên liệu chế biến đang thiếu khá nhiều.
Vị này nhận định rằng, năm nay vẫn còn nhiều thử thách, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần vượt qua. TPP sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu thủy sản, mặc dù vậy, khó khăn cũng không ít, khi điều kiện của ta chưa đáp ứng được tiêu chuẩn “khó tính” của thị trường.
Khó khăn là thế, nhưng theo đánh giá của tập đoàn đứng đầu về xuất khẩu thủy sản, tình hình năm nay vẫn sẽ tốt hơn năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ