Tin thủy sản Xuất khẩu thủy sản thích ứng bối cảnh mới - Nâng cao chất lượng, đa dạng thị trường

Xuất khẩu thủy sản thích ứng bối cảnh mới - Nâng cao chất lượng, đa dạng thị trường

Tác giả Hàm Luông - Vĩnh Tường, ngày đăng 27/09/2017

Xuất khẩu thủy sản thích ứng bối cảnh mới - Nâng cao chất lượng, đa dạng thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 1,160 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. 

Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra Ảnh: CAO PHONG

Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch hơn 1,9 tỷ USD. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm sang một số thị trường phục hồi tích cực như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

Quá nhiều rào cản thương mại

Theo phân tích của VASEP, số liệu xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự sụt giảm sâu tại thị trường EU, giá trị xuất khẩu cá tra tại thị trường này giảm tới 21,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trái ngược với thị trường Mỹ và EU, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Hồng Công - Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia, Ảrập Saudi có sự tăng trưởng tốt. Đây là những thị trường đầy tiềm năng của sản phẩm cá tra Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ giảm là sau khi nhận được thông báo chính thức của Cục Kiểm định an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, về việc tiến hành thanh tra các loài cá thuộc họ Siluriformes trước kế hoạch đề ra (bắt đầu từ ngày 2-8-2017 thay vì 1-9-2017). Theo đó, các cơ sở xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng về các yêu cầu thanh tra liên quan đến nhãn mác, nội dung kiểm tra chi tiết, các thông số thử nghiệm đối với dư lượng hóa chất, đặc điểm sinh học… Hiện tại, chỉ còn 14 doanh nghiệp thủy sản đang tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ có 3 doanh nghiệp có khối lượng và giá trị xuất khẩu lớn. Riêng thị trường EU kim ngạch xuất khẩu giảm là do cá tra đang cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa và các loại cá biển khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cá tra còn đứng trước những thách thức về rào cản thương mại liên quan đến quy định ghi nhãn mác trên sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường EU. 

Về xuất khẩu tôm, phân tích nguyên nhân khiến mặt hàng này sang Hoa Kỳ sụt giảm, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước luôn ở mức cao, trong khi xuất khẩu tôm Việt vào thị trường Hoa Kỳ vẫn còn bị áp thuế chống bán phá giá cao. Điều này đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị “đội” lên rất nhiều khi xuất vào thị trường này. Hiện đối thủ chính của tôm Việt ở thị trường Hoa Kỳ là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan; tuy nhiên Indonesia không bị kiện bán phá giá, còn Ấn Độ và Thái Lan dù cũng bị áp thuế chống bán phá giá nhưng có mức thuế thấp hơn so với Việt Nam. “Thị trường Hoa Kỳ cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi Chính phủ nước này liên tục có những động thái ủng hộ sản xuất trong nước, tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. Trong thời gian tới, nếu thuế chống bán phá giá tiếp tục kéo dài, tình trạng cạnh tranh về giá còn gay gắt, tôm Việt sẽ tìm đường “bơi” sang các thị trường khác để có cơ hội bán được với giá tốt hơn, nhất là EU, Trung Quốc…”, ông Lực cho biết. 

Chuyển hướng thị trường

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện mặt hàng cá tra Việt Nam đang rất thuận lợi khi Trung Quốc đã mở cửa nhập chính ngạch. Hiện giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng. Do đó, người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần phối hợp chặt, nắm bắt thị trường, cân đối diện tích nuôi hợp lý để tránh rủi ro. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp cần có giải pháp tích cực hài hòa giữa thị trường tiểu ngạch và chính ngạch. Tránh cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước. Trái ngược với thị trường Mỹ và EU, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Brazil, Mexico, Ảrập Saudi và Colombia trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng khá, đạt mức lần lượt 63,9%; 26,4%; 5,4% và 2,5%. Sự sụt giảm mạnh mẽ trong 3 năm liên tiếp trở lại đây tại thị trường EU khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam buộc phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trước những thách thức mà ngành cá tra đang gặp phải hiện nay, để phát triển sản xuất một cách bền vững; trong thời gian tới, cần thúc đẩy việc cải thiện chất lượng ngành cá tra về con giống, thương phẩm, chế biến, môi trường; phát triển thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường; đồng thời phải chứng minh được những điểm tương đồng trong vấn đề giống chăn nuôi, chế biến và các mã bao bì.

Về con tôm, các chuyên gia cũng cho rằng, dù hiện nay vẫn có thị trường chưa đặt nặng vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, người nuôi tôm và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu vẫn phải chú ý thực thi các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến nhằm tạo uy tín, thương hiệu của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nên có sự đầu tư vào các chứng nhận cho hoạt động sản xuất chế biến của mình, đưa ra các hoạt động cụ thể để hỗ trợ cộng đồng và môi trường quốc tế. Đây được xem là con đường tốt nhất để các doanh nghiệp kinh doanh, hợp tác lâu dài với các đối tác.


Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thủy sản vào châu Âu Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thủy sản… Ảrập Xêut - thị trường tiềm năng mới cho cá ngừ Việt Nam Ảrập Xêut - thị trường tiềm năng mới…