Mô hình kinh tế Xuất khẩu tôm không nhiều kỳ vọng

Xuất khẩu tôm không nhiều kỳ vọng

Ngày đăng 23/09/2015

Xuất khẩu tôm không nhiều kỳ vọng

Tuy nhiên năm nay, việc xuất khẩu tôm thật sự khó khăn, nếu không có sự đột biến thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lần đầu tiên sẽ giảm trong nhiều năm gần đây.

Không còn “độc diễn”

Kết thúc năm 2014, mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu thật sự gây ấn tượng, khi kim ngạch có sự tăng đột biến về giá trị vì trúng giá và gần như “một mình một chợ”, nhờ người nuôi tôm đã nhanh chân trong việc giải quyết hội chứng tôm chết sớm - EMS mà các nước đang trải qua trận đại dịch.

Nhưng năm nay, diễn biến thị trường không còn thuận lợi, cùng với những khó khăn chung của việc xuất khẩu nông thủy sản, mặt hàng tôm gặp sự cạnh tranh gay gắt về thị trường và giá từ các nước.

Do sản lượng tôm của các nước sản xuất đã phục hồi sau dịch bệnh EMS, trong khi người dân của nước ít bị dịch bệnh là Việt Nam sau khi “trúng đậm” đã mở rộng diện tích nuôi, làm tăng sản lượng tôm cung cấp trên thị trường. Vì vậy nguồn cung tôm quay về mức bình thường. 

Chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu... tại doanh nghiệp trong nước

Giá tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ bị giảm 1,5 - 2USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với sức mua giảm mạnh. Mặc dù chiếm 43% giá trị xuất khẩu thủy sản, kim ngạch mặt hàng tôm từ đầu năm đến hết tháng 8 mới đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm so với 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2014.

Việc xuất khẩu mặt hàng này sang những thị trường chính bị sụt giảm mạnh từ 14% - 54% so với cùng kỳ năm rồi, trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 20% thị phẩn xuất khẩu tôm Việt Nam lại bị sụt giảm mạnh nhất.

Mặc dù nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng, nhưng thị trường này thu hút nhiều nhà xuất khẩu tôm từ các nước, đồng nghĩa với việc bị nhà nhập khẩu làm giá. Vì vậy giá tôm vào thị trường này nay giảm 20%, từ 12,5 USD/kg xuống còn 10 USD/kg. 

Việc xuất sang Nhật Bản và các nước EU cũng bị sụt giảm 19% và 14% do đồng Yen và đồng EUR giảm giá so với đồng USD, nhà nhập khẩu buộc phải hạ giá mua hoặc hạn chế mua vào.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc suy giảm 28% do bất ổn kinh tế và sự sụp đổ thị trường chứng khoán, tác động đến việc tiêu dùng ở tầng lớp trung và thượng lưu nước này.

Do chậm linh hoạt trong việc điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu nên giá trung bình tôm Việt Nam cao hơn Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ khoảng 1 - 2USD/kg, làm giảm khả năng cạnh tranh con tôm Việt Nam. Giá tôm Việt Nam xuất sang Mỹ trung bình là gần 12 USD/kg, trong khi tôm Ấn Độ 10,2 USD, tôm Indonesia 10,3 USD/kg.

Sẽ khởi sắc?

Việc Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) về thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014, với mức thuế trung bình 0,91%, giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố tháng 3-2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% kỳ xem xét lần trước (POR8) đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ giảm bớt những áp lực và khó khăn.

Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những yếu tố chính giúp cho mức thuế trên giảm so với lần trước đó là Bộ Thương mại Mỹ đã dựa trên các dữ kiện phù hợp từ 3 nước Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.

Với việc mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8, cùng với thời điểm nhu cầu thị trường này được dự báo sẽ tăng trở lại những tháng cuối năm giúp cho việc xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc hơn, sau khi sụt giảm trên 50% trong 8 tháng đầu năm.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh ở những tháng đầu năm và chỉ sụt giảm từ tháng 9, khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế cao nhất từ trước tới nay 6,37%.

Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 370 triệu USD, tiếp tục giảm mạnh do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước Ấn Độ, Indonesia… 

Ngoài 3 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, EU, theo VASEP, Hàn Quốc có thể nói là thị trường mới, đầy tiềm năng.

Mặc dù giá thành con tôm Việt Nam cao hơn các nước như Ấn Độ, Indonesia… nhưng điều này sẽ khắc phục dần và Việt Nam có những ưu thế so với các nước khác, như: là nước có sản lượng và kích cỡ tôm sú lớn nhất; nuôi đa dạng từ dạng quảng canh, quảng canh cải tiến, hữu cơ, thâm canh, kể cả siêu thâm canh… có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Tuy khởi sắc với thị trường Mỹ, nhưng tại buổi hội thảo về xuất khẩu tôm trong khuôn khổ hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản - Vietfish 2015 ở TPHCM, đại diện VASEP dự báo, xuất khẩu tôm năm 2015 cũng chỉ vào khoảng 3,2 - 3,5 tỷ USD, so với con số xuất khẩu 3,95 tỷ USD năm vừa qua; trong đó, thị trường Mỹ dù phục hồi nhu cầu vào những tháng cuối năm nhưng cũng chỉ kỳ vọng đạt trên 700 triệu USD, thay vì trên 1 tỷ USD như năm 2014.


Hàng ngàn hecta lúa bị thiệt hại do mưa lớn Hàng ngàn hecta lúa bị thiệt hại do… Chủ động phòng chống hạn cuối vụ mùa Chủ động phòng chống hạn cuối vụ mùa