Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Mừng Ít, Lo Nhiều

Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Mừng Ít, Lo Nhiều

Ngày đăng 25/03/2014

Xuất Khẩu Tôm Sang Trung Quốc Tăng Mạnh Mừng Ít, Lo Nhiều

Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, từ vị trí thứ 6 năm 2009 lên vị trí thứ 4 năm 2013. Dẫu vậy, đây không hẳn là tín hiệu vui.

Tăng trưởng mạnh

Là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về nhập khẩu thủy sản, sản lượng thủy sản tiêu thụ tại Trung Quốc đang ngày càng tăng trưởng mạnh. Đây cũng được xem là một trong những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam. Cụ thể, tỷ trọng của mặt hàng tôm trong tổng giá trị thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng từ 13% năm 2003 lên hơn 66,5% trong năm 2013.

Từ năm 2012, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 4 của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 11,2% tổng tỷ trọng, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và EU. Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong năm 2013, mặc dù xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều gặp khó khăn, nhưng xuất khẩu tôm các loại sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng khả quan với trị giá đạt 381,2 triệu USD. So với năm 2003 đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần.

Cũng theo đánh giá của VASEP, giá tôm xuất khẩu vào Trung Quốc không quá nhiều biến động trong những năm qua. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2013, giá tôm xuất khẩu sang thị trường này được duy trì trong khoảng 7,5 - 8,5 USD/kg và dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. So với Thái Lan, giá tôm Việt Nam tại Trung Quốc đã có bước tiến ngoạn mục khi tăng ở mức cao hơn các đối thủ khác tại Trung Quốc, gồm Thái Lan, Ấn Độ…

Lo thiếu nguyên liệu

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua nhưng việc này không được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc nằm ở khâu thanh toán. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát ngoại tệ rất chặt chẽ, do đó, số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng đồng USD rất hạn chế. Không chỉ vậy, Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến việc thanh toán bằng L/C (thư tín dụng) theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, việc thanh toán theo đường biển bị đánh giá là có nhiểu rủi ro.

Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho rằng, việc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản và EU. Bên cạnh nguồn tôm xuất chính ngạch, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động và đang làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước.

“Tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, vừa ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thương hiệu vừa khiến các doanh nghiệp trong nước thiếu hàng cho chế biến” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức thuế đánh vào mặt hàng thủy hải sản nhập khẩu vào Trung Quốc thường cao hơn các nước khác như Mỹ, Nhật, châu Âu. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc chọn lựa thị trường để phát triển ổn định.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, sản xuất tôm tại các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan đang phục hồi sau dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) nhưng phải mất 2 năm nữa mới đi vào ổn định. Còn tại Ấn Độ, dù ít bị ảnh hưởng bởi EMS nhưng vụ nuôi của nước này lại chậm hơn so với Việt Nam từ 1 - 2 tháng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu tôm trong 2 quý đầu năm 2014.


Nhân Rộng Mô Hình Nông Thôn Mới Nhân Rộng Mô Hình Nông Thôn Mới Chi Nghìn Tỷ Tạm Trữ Lúa Gạo, Nông Dân Thêm Khổ? Chi Nghìn Tỷ Tạm Trữ Lúa Gạo, Nông…