Xuất khẩu tôm và bài toán cung cầu lợi nhuận
Kết quả XK và mức tăng trưởng XK khả quan trong năm 2014 có sự đóng góp lớn của nguồn tôm nuôi trong nước nhưng có tham gia không nhỏ của tôm nguyên liệu NK.
Năm 2014, NK tôm nguyên liệu của Việt Nam đạt 476 triệu USD. Ước tính doanh thu từ tôm nguyên liệu NK đạt 700 triệu USD, chiếm 18% tổng doanh thu từ tôm XK của Việt Nam trong năm 2014.
NK tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK của Việt Nam liên tục tăng từ 50 triệu USD trong năm 2010 lên 476 triệu USD năm 2014, tăng 852%. Chỉ trong quý đầu năm 2015, NK tôm nguyên liệu vào Việt Nam đã đạt 106 triệu USD. Ấn Độ là nhà cung cấp tôm nguyên liệu chính cho Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Năm 2014, NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ chiếm 68,8% tổng NK tôm của Việt Nam.
Bất kỳ một DN kinh doanh bất cứ hàng hóa nào cũng phải tính đến bài toán cung – cầu – lợi nhuận và các DN chế biến XK tôm cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu này. Có những thời điểm, DN nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường NK, trong khi chưa vào vụ thu hoạch ở địa phương hoặc kích cỡ tôm mà DN cần lại không sẵn có, hoặc giá, chất lượng không đáp ứng nhu cầu của các DN. Khi đó, các DN sẽ phải cân nhắc các yếu tố cung – cầu – lợi nhuận, và NK nguyên liệu là một giải pháp.
Thông thường các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ những nguồn cung đáp ứng được yêu cầu của họ về giá cả và chất lượng. Trong đó, giá nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định lợi nhuận của DN. Ấn Độ được các DN chọn là nhà cung cấp tôm số 1 do nguồn cung ổn định với giá cả phải chăng, đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ và chất lượng.
Giá thành tôm nuôi ở Việt Nam trong mấy năm qua cao hơn so với một số nước đối thủ, đặc biệt là Ấn Độ. Nên nhiều DN đã NK tôm nguyên liệu từ những khu vực này để có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng, duy trì lợi nhuận và năng lực cạnh tranh và ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
Giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn Ấn Độ do những bất cập về quản lý thức ăn, con giống, thuốc thú y…Khâu sản xuất và phân phối các yếu tố đầu vào này chưa tạo điều kiện tốt nhất cho người nuôi. Trong khi ở Ấn Độ, nguyên liệu sản xuất thức ăn (đậu nành, ngô…) hầu như tại chỗ trong khi Việt Nam chỉ chủ động được 30% nguồn nguyên liệu này.
Ấn Độ NK tôm giống từ Mỹ có khả năng kháng bệnh cao. Nước này cũng mạnh dạn đầu tư vào các ao nuôi, cơ sở hạ tầng chế biến thức ăn và hệ thống phân phối thức ăn thuận lợi nhất cho người nuôi. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã thực hiện được một cuộc cách mạnh trong ngành tôm với số lượng tôm giống từ 7 tỷ năm 2010 lên 20 tỷ năm 2014, tăng 186%; công suất sản xuất thức ăn từ 390.000 tấn năm 2010 lên 1,33 triệu tấn năm 2014, tăng 241%; thức ăn nuôi tôm tăng 110% từ 272.000 tấn năm 2010 và 572.000 tấn năm 2014.
Ngay cả ở Thái Lan, một nước sản xuất tôm đối thủ của Việt Nam, các DN tôm Thái Lan cũng phải NK nguyên liệu để đáp ứng công suất chế biến. Năm 2014, nước này NK 124 triệu USD tôm nguyên liệu trong đó NK từ Ấn Độ chiếm 25%. Năm 2015, các nhà chế biến Thái Lan vẫn tiếp tục NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ để bù đắp sản lượng giảm. Dự kiến nước này cần NK khoảng 350.000 tấn tôm nguyên liệu nữa mới có thể đáp ứng tổng công suất chế biến của ngành.
Qua đó, có thể thấy NK nguyên liệu để chế biến XK là một xu hướng bình thường của các DN thủy sản trong đó có DN tôm. Tất nhiên DN tôm cũng mong muốn có nguồn nguyên liệu trong nước ổn định, giá hợp lý và chất lượng tốt để đáp ứng tốt các yếu tố cung- cầu – lợi nhuận và không phải phụ thuộc vào nguồn NK. Vấn đề là làm thế nào để giảm giá thành tôm nuôi để sản phẩm tôm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước khác trên thị trường thế giới?.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ