Mô hình kinh tế Xuất khẩu tôm vui mà chẳng mừng

Xuất khẩu tôm vui mà chẳng mừng

Ngày đăng 20/09/2015

Xuất khẩu tôm vui mà chẳng mừng

Song, không có gì đảm bảo đây sẽ là “cái phao cứu sinh” cho tình trạng xuất khẩu tôm đang trên đà giảm.

Con tôm xuất sang thị trường Mỹ chỉ bị áp thuế dưới 1% sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu tôm vào thị trường này của doanh nghiệp được hanh thông hơn.

Ừ thì có vui...

Giá trị xuất khẩu tôm trên đà sụt giảm trong những tháng qua. Trong bối cảnh ảm đạm đó, tin từ POR9 về mức thuế trung bình áp cho tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam là 1% quả là một tin vui.

Không vui sao được khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của con tôm Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này là 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành.

Thoạt nghe tin này, một số người cho rằng đây có thể là cái phao cứu sinh, là hy vọng sống còn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhìn ở một khía cạnh nào đó, mức thuế thấp này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp được hanh thông hơn, và với những tháng còn lại của năm này, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể được cải thiện.

“Tuy vậy, không thể vin vào đây để có tâm lý lạc quan do thị trường bị chi phối mạnh bởi các yếu tố cung - cầu và tỷ giá”, ông Hòe nhận định.

...nhưng lại không mừng

Cách đây 10 năm, tại một hội nghị của ngành thủy sản, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần và thương mại Thuận Phước ở Đà Nẵng đã từng chia sẻ, rằng ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm, đã qua cái thời dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh với các nước khác.

Để có thể tồn tại đường dài, ngành thủy sản phải đi theo hướng sản xuất giá trị gia tăng. Bản thân Công ty Thuận Phước đã dần thay đổi chiến lược kinh doanh từ chuyên xuất khẩu sản phẩm tôm sơ chế sang chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này đã giúp công ty chống chọi với khó khăn. Hiện Thuận Phước có 60% sản phẩm tôm chế biến theo hướng giá trị gia tăng.

Vẫn từ góc nhìn đó, ông Lĩnh tỏ ra không quá lạc quan với kết quả POR9. Ông nói: “Thuế bán phá giá thấp hay cao chưa thể nói lên điều gì!”. Theo ông Lĩnh, ở lần POR8 (giai đoạn từ 1-2-2012 đến 31-1-2013), mức thuế trung bình bán phá giá tôm mà Mỹ áp cho các doanh nghiệp Việt Nam là 6,37%

. Ngay sau thời điểm có thông tin này, các doanh nghiệp có tâm lý “không lạc quan” và nhiều dự đoán cho rằng hoạt động xuất khẩu tôm qua Mỹ sẽ bước vào những tháng ngày khó khăn.

Tuy vậy, thực tế đã chứng minh điều ngược lại: tình hình xuất khẩu tôm sau đó tăng trưởng mạnh. “Dù bị áp thuế cao trong lần POR8 nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2014 vẫn tăng. Còn ở lần POR9 công bố sơ bộ hồi tháng 3-2015, dù bị áp thuế thấp, tình hình xuất khẩu những tháng sau đó không chỉ không tăng mà còn liên tục giảm”, ông Lĩnh nhìn lại.

Thống kê tám tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm qua Mỹ của Việt Nam giảm 51% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn cung và sự cạnh tranh của tôm Ấn Độ và Indonesia. Ông Lĩnh cho biết xuất khẩu tôm không chỉ giảm ở thị trường Mỹ mà còn giảm ở những thị trường khác bao gồm châu Âu và Nhật Bản.

“Lâu nay, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu chính của con tôm, nhưng năm nay, kể cả hai thị trường không có đánh thuế bán phá giá với tôm Việt Nam là châu Âu và Nhật Bản cũng giảm. Như vậy, nếu dựa vào mức thuế bán phá giá thấp của Mỹ để tin tưởng xuất khẩu sẽ tăng là một sai lầm”, ông nói.

Lấy Công ty Thuận Phước làm ví dụ. Năm 2014, công ty chịu thuế bán phá giá POR8 là 6,37%, song kim ngạch xuất khẩu tôm của công ty đạt 105 triệu đô la Mỹ, và Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của công ty. Sang năm 2015, từ tháng 3, khi có kết quả sơ bộ lần POR9, dù chịu mức thuế 1,16% song kim ngạch xuất khẩu tôm của công ty sang thị trường này vẫn không như mong đợi.


Hướng đến cây điều cho năng suất, phẩm chất cao Hướng đến cây điều cho năng suất, phẩm… Nông sản Việt Nam gặp hạn vì Trung Quốc Nông sản Việt Nam gặp hạn vì Trung…