Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Trái Cây Việt Nam Chất Lượng Sản Phẩm Là Cốt Lõi

Xuất Khẩu Trái Cây Việt Nam Chất Lượng Sản Phẩm Là Cốt Lõi

Ngày đăng 21/10/2014

Xuất Khẩu Trái Cây Việt Nam Chất Lượng Sản Phẩm Là Cốt Lõi

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng sản xuất các loại trái cây, nhưng đến nay việc cung ứng cho thị trường trong nước và trên thế giới vẫn là cả vấn đề.

Thông tin hai loại quả vải và nhãn của Việt Nam sẽ được xuất sang thị trường Mỹ những tháng cuối năm đã mở hướng mới cho sản xuất trái cây trong nước và xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với trái cây Việt Nam không phải ở số lượng hay tính đặc sản mà là chất lượng.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trái cây cả nước đạt 1.708 triệu USD, trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này), tiếp đến là Mỹ, Hà Lan 157 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tăng mạnh ở những tháng cuối năm và năm sau khi vải và nhãn Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Mặc dù việc xuất khẩu trái cây có dấu hiệu tăng, song nhập khẩu trái cây của cả nước vẫn lớn. Bộ NN&PTNT cho biết, 8 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị nhập khẩu trái cây của Việt Nam là 624 triệu USD. Những thị trường nhập khẩu trái cây chính của Việt Nam là: Bờ Biển Ngà với 139 triệu USD, Thái Lan với 122 triệu USD. Tiếp theo là các thị trường như Nigeria 61 triệu USD; Ghana 58 triệu USD, Mỹ 24 triệu USD, Australia 22 triệu USD; Trung Quốc 20 triệu USD...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam có nhiều thế mạnh sản xuất và xuất khẩu trái cây. Hiện cả nước có trên 700.000ha diện tích đất trồng cây ăn quả phân bố đều trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, tập trung lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nhiều tỉnh, thành phố có lợi thế về cây ăn quả đang tiếp tục mở rộng diện tích, tập trung chủ yếu là các loại trái cây như: thanh long, xoài, bưởi, vải, nhãn, sầu riêng…

Dù có thế mạnh phát triển song chất lượng trái cây Việt Nam không đồng đều, chưa có chiến lược quảng bá nên sản phẩm xâm nhập vào thị trường nước ngoài còn hạn chế. Hiện có 40 loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu đến thị trường 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những năm gần đây, xuất khẩu trái cây Việt Nam có chuyển biến tích cực song vẫn bó hẹp ở một vài thị trường truyền thống, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Thị trường này yêu cầu chất lượng sản phẩm không cao nhưng giá cả thường bấp bênh, thiếu ổn định.

Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc sẽ gây tổn thất không chỉ riêng cho mặt hàng trái cây mà nhiều hàng nông sản khác. Trong khi đó, số lượng nhà vườn tập trung sản xuất theo các tiêu chuẩn về chất lượng để xuất sang các thị trường lớn là rất ít.

Theo định hướng Bộ NN&PTNT, thời gian tới, để phát triển mặt hàng trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch phát triển từng loại cây, xác định cụ thể diện tích cần tái canh, trồng mới, cải tạo, thay thế bằng các giống mới cũng như diện tích cần chuyển đổi sang cây trồng khác do không nằm trong quy hoạch hoặc hiệu quả thấp.

Dự kiến, sản lượng trái cây cả nước sẽ được nâng lên 11,3 triệu tấn vào năm 2020 và 17,7 triệu tấn (trong đó xuất khẩu từ 800 nghìn đến 1 triệu tấn) vào năm 2030. Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây ăn trái của ĐBSCL hiện đạt khoảng 295.000ha, chiếm 36,5% diện tích cây ăn trái cả nước với sản lượng khoảng 3,8 triệu tấn, chiếm khoảng 48,7% sản lượng cả nước.

Tuy nhiên, hiện có đến 82-83% sản lượng trái cây của nhà vườn sản xuất ra được bán thông qua thương lái, 10% sản lượng được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị và chỉ khoảng 7-8% được doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu mua.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để hoàn thành mục tiêu đó, Bộ sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội để hình thành tập đoàn giống và cải tiến kỹ thuật nhằm mở rộng sản xuất các loại quả đặc sản và một số giống cây ăn quả của quốc tế phù hợp với nước ta.

Đồng thời áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, áp dụng các quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp GAP, sản xuất có chứng nhận đối với các loại quả chủ lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Dù trái cây được xuất ra thị trường quốc tế hay trong nước thì vấn đề chất lượng phải được giải quyết. Đây được coi là vấn đề cốt lõi trong sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giám sát chất lượng rau quả, bảo đảm an toàn thực phẩm khi nhập khẩu. Đối với các loại quả nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ NN&PTNT yêu cầu thực hiện giám sát nghiêm ngặt theo thông lệ quốc tế cũng như kiểm tra đối với các nước khác.

Để bảo đảm chất lượng, trước khi cho phép nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan của hai nước phải có thỏa thuận, thông báo về quy trình sản xuất, bảo quản ở nước mình và có những cam kết công nhận lẫn nhau về sự giám sát của hai bên. Khi tới biên giới, các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát tại cơ sở, phân tích chất lượng và nguy cơ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng trong rau quả nhằm phát hiện kịp thời những chất bảo quản trong sản phẩm.


Tôm Thẻ Chân Trắng Lại Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phong Tôm Thẻ Chân Trắng Lại Chết Hàng Loạt… Tăng Lợi Nhuận Trên 4 Triệu Đồng/ha Nhờ Máy Gặt Đập Liên Hợp Tăng Lợi Nhuận Trên 4 Triệu Đồng/ha Nhờ…