Mô hình kinh tế Xứng Danh Đệ Nhất Danh Trà

Xứng Danh Đệ Nhất Danh Trà

Ngày đăng 08/11/2013

Xứng Danh Đệ Nhất Danh Trà

Thái Nguyên những ngày đầu tháng 11, tiết trời se lạnh, nhưng ở các vùng chè của tỉnh vẫn sôi động, ấm áp bởi không khí chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, nhằm hướng tới việc quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển ngành chè Việt Nam nói chung và chè Thái Nguyên nói riêng.

Từ chè Tân Cương đến Festival trà

Trước lễ hội trà, chúng tôi tìm về chân núi Guộc, nơi "phát tích" cây chè, để sau đó không lâu, cả một vùng đồi núi điệp trùng của Thái Nguyên được vinh danh "đệ nhất danh trà". Trước mắt chúng tôi, núi Guộc sừng sững, uy nghi như "tấm phên giậu" che chắn cho dải đất Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Theo các bậc cao niên thì ở vùng núi này cây chè đã mọc từ nhiều đời nay, nhưng đó là loại chè rừng, người dân địa phương vẫn đi hái về nấu nước uống. Còn như lời kể của ông Phạm Ngọc Việt, cư dân xóm Guộc: Vào những năm đầu thế kỷ 20, Ðội Năm (tức cụ Vũ Văn Hiệt), người xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đưa dân về chân núi Guộc khai phá đất đai, lập làng. Trong thời gian ở đây, cụ Hiệt đã sang Phú Thọ lấy hạt giống chè mang về trồng. Mỗi năm một ít, diện tích chè vì thế được mở mang ra khắp vùng đồi đất Tân Cương và các xã chung quanh. Ðến nay, theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cuơng (TP Thái Nguyên) Lương Văn Hoà: Vùng chè Tân Cương có diện tích gần 5.000 ha, trải rộng trên đất của các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương. Cây chè ở vùng đất này đã khẳng định thương hiệu trên thị trường của hơn 100 nước. Hơn thế, chè Tân Cương còn là một trong năm sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc.

Cách đây gần 10 năm (2004), người dân xóm Guộc đã mở Hội chè xuân. Ngày hội thu hút đông đảo nhân dân trong xóm tham gia, với các hoạt động sôi nổi chung quanh chủ đề về cây chè, như thi chất lượng chè ngon, thi sao chè bằng chảo gang, thi pha trà, thưởng trà. Ngoài ra còn có đấu võ, bình thơ... Có lẽ trên đất nước Việt Nam, xóm Guộc là nơi tổ chức Hội làng chè đầu tiên, để sau đó ngày hội làng chè được mở rộng đến cấp xã, cấp tỉnh, và từ năm 2011, trở thành Festival trà mang tầm quốc gia, được tổ chức hai năm một lần, với quy mô ngày càng lớn. Ngoài sự tham gia của đại diện các vùng chè trong cả nước, Festival còn thu hút người trồng chè ở các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Lào... tham gia. Festival có nhiều hoạt động phong phú như các hội thi: Búp chè vàng, bàn tay vàng, cây chè đẹp và người đẹp xứ trà...

Những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên là Tân Cương (TP Thái Nguyên), Minh Lập (Ðồng Hỷ), La Bằng (Ðại Từ)... bây giờ đã trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Du khách trong nước, quốc tế đến đây luôn thán phục về cách làm chè truyền thống của người dân Thái Nguyên. Nhìn những phụ nữ vục đôi tay trần đảo chè đang sao trong chảo nóng, ông Lương Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã La Bằng cho biết: La Bằng có hơn 300 ha chè, trong đó có hơn 200 ha chè kinh doanh, với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt gần 1.900 tấn búp tươi/năm, tương đương với gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Mỗi năm cây chè mang lại cho gần 900 hộ nông dân trong xã số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long cho chúng tôi biết: Thái Nguyên hiện là vùng trọng điểm chè của cả nước, đứng thứ hai sau tỉnh Lâm Ðồng. Nghề trồng và chế biến chè đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh. Chè được xem là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Toàn tỉnh có hơn 18.600 ha chè, trong đó có gần 17 nghìn ha chè kinh doanh, với năng suất ổn định 109 tạ/ha, sản lượng chè tươi hằng năm đạt gần 185 nghìn tấn/năm, tương đương 35 nghìn tấn chè búp khô... Theo đồng chí Chủ tịch tỉnh, với giá trung bình 150.000 đồng/kg, mỗi năm cây chè đem lại cho Thái Nguyên số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

Thái Nguyên - "đệ nhất danh trà"

Có thể nói từ sau năm 2010, Thái Nguyên đã có "cuộc cách mạng" về việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý chè từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nhân dân các vùng chè trong tỉnh không còn chặt phá, hoặc bỏ rơi cây chè để lấy đất trồng cây ăn quả như trước đây. Thể hiện rõ nhất là từ năm 2006, phong trào cải tạo đồi chè trong nhân dân phát triển mạnh, trong đó phải kể đến sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã. Bằng chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư thâm canh, từ năm 2006 đến hết năm 2012, trung bình mỗi năm nhân dân các vùng chè của tỉnh trồng mới, trồng lại 1.000 ha, chủ yếu là các giống chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thúy Ngọc...

Trong sản xuất, chế biến chè, người dân được cán bộ chức năng tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên: Từ năm 2009, mô hình đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chè siêu sạch) đã được triển khai ở xã Hoà Bình (Ðồng Hỷ), sau đó tiếp tục triển khai tại nhiều địa phương. Ðến nay toàn tỉnh có 15 mô hình chè VietGAP ở các huyện Ðại Từ, Ðồng Hỷ, Ðịnh Hóa, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương và TP Thái Nguyên, với tổng diện tích 200 ha chè VietGAP. Việc đưa khoa học - kỹ thuật vào thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè những năm qua đã làm tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, thu nhập từ 46 triệu đồng/ha năm 2008, lên gần 70 triệu đồng/ha năm 2013.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết: Trong chuỗi sản xuất chè bao gồm các khâu: trồng, chăm sóc, vận chuyển, chế biến, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ đều có liên quan chặt chẽ về quy trình kỹ thuật và các biện pháp bảo đảm chất lượng chè. Trong xâu chuỗi này gồm các hộ nông dân trồng, chế biến chè có quy mô sản xuất trang trại hoặc nông hộ; những hộ nông trường viên và những công nhân nông trường đã nhận đất của nông trường khi nông trường chuyển đổi thành công ty. Ngoài ra còn có các hộ có khả năng ký hợp đồng sản xuất cho các công ty chè. Ðiển hình là các doanh nghiệp: Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên; Nhà máy chè xuất khẩu Tân Cương - Hoàng Bình; Công ty cổ phần Vạn Tài; Công ty TNHH một thành viên chè Sông Cầu; Doanh nghiệp tư nhân Trà Hạnh Nguyệt... đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ và liên kết chặt chẽ với người trồng chè, để từ đó làm ra sản phẩm chè cao cấp, chất lượng cao, bảo đảm an toàn và có giá trị phục vụ người tiêu dùng. Chè Thái Nguyên chủ yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước, số lượng chè xuất khẩu sang các nước Trung Ðông, một số nước châu Á và Ðông Âu mới chiếm khoảng 30% tổng sản lượng chè trong năm của tỉnh, giá xuất khẩu từ 1.400 đến 1.500 USD/tấn.

Chè Thái Nguyên mang đậm đà hương vị của rừng núi, có vị chát của nắng, mưa, vị ngọt hậu của tình nghĩa con người, cho nên những ai sành ẩm thực đều cảm mến hương sắc chè Thái Nguyên. Với phần lớn người Việt Nam, thú uống trà ngấm vào máu thịt, cho nên dù ở chân trời, góc bể nào, hễ bạn bè gặp nhau là có ấm trà để khơi nguồn câu chuyện. Mà được thứ trà xanh Thái Nguyên mới coi là thượng hạng. Dù là chè ở vùng Minh Lập (Ðồng Hỷ), Phúc Thuận (Phổ Yên), La Bằng (Ðại Từ) hay chè được sao suốt từ các xã vùng chè Tân Cương, đều được gọi chung là "chè Thái Nguyên".


Nông Dân Trồng Lúa Nhật Ổn Định Đầu Ra Nông Dân Trồng Lúa Nhật Ổn Định Đầu… Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Cây Vụ Đông Nguyên Liệu Phục Vụ Chế Biến Xuất Khẩu Hỗ Trợ Nông Dân Trồng Cây Vụ Đông…