Mô hình kinh tế Xung quanh thông tin mất mùa lúa do sâu đục thân ở Thái Bình

Xung quanh thông tin mất mùa lúa do sâu đục thân ở Thái Bình

Ngày đăng 15/10/2015

Xung quanh thông tin mất mùa lúa do sâu đục thân ở Thái Bình

Đây thực sự là thông tin gây hoang mang cho nhiều người, đặc biệt với một vùng thâm canh lúa lâu năm và đạt trình độ khá cao như Thái Bình.

Để có thêm thông tin sáng tỏ về vụ việc, chúng tôi đã có chuyến thực tế về địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải cho biết: Diện tích lúa mà  báo chí phản ánh bị sâu bệnh là có thật.

Tuy nhiên, diện tích này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số diện tích canh tác nông nghiệp của toàn địa phương chúng tôi, nên việc nói cả xã Quỳnh Hải mất mùa lúa là thông tin không chính xác.

Theo số liệu ông Hùng cung cấp, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã là 357ha, thì diện tích trồng rau màu lên đến 243ha, còn lại khoảng 114ha là diện tích cấy lúa.

Việc phản ánh thông tin mất mùa tại địa phương lại gắn với nguyên nhân từ việc cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, Chủ tịch xã Quỳnh Hải Vũ Đức Hùng cho biết, “không rõ mục đích của một vài cơ quan báo chí là gì”.

Tuy nhiên, việc thổi phồng sự việc có vẻ thái quá đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào thi đua của địa phương nói riêng và quê lúa Thái Bình nói chung.

Lần theo địa chỉ báo chí phản ánh lúa mất mùa ở cánh đồng thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), chúng tôi ghi nhận:

Diện tích lúa bị sâu đục thân gây hại chủ yếu là các thửa ruộng lúa tái sinh (người dân địa phương còn gọi là lúa éo), tức khi gặt xong, người dân không gieo cấy vụ mới mà chỉ chăm sóc phân bón cho phần thân dạ phát triển trổ bông để thu mùa lúa phụ.

Tại văn bản làm việc của UBND xã Quỳnh Hải với một số bà con địa phương về việc họ có phản ánh lúa mất mùa năm 2015 là nguyên nhân do cấp trên “chỉ đạo” chỉ dùng 1 vài loại thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục nên không hiệu quả, thì họ đều khẳng định, loại thuốc họ mua ngoài đại lý không thuộc danh mục thuốc khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Còn một, hai trường hợp khác thì mua thuốc trừ sâu của nhiều đại lý tư nhân khác nhau, còn phun thuốc gì thì họ cũng không nhớ rõ...

Tuy nhiên, những người nông dân có ruộng bị giảm năng suất đều xác nhận với địa phương rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giảm năng suất là do bị chuột cắn phá nên họ bỏ phun thuốc phòng trừ và có ý định bỏ qua vụ lúa để chờ làm vụ màu.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Phụ, vụ mùa năm 2015, toàn huyện có tổng diện tích gieo cấy 11.690 ha và là huyện có mật độ sâu đục thân lúa hai chấm cao nhất tỉnh, vì vụ mùa 2015, toàn huyện có 1.000 ha lúa tái sinh (lúa héo).

Theo đánh giá chung, vụ mùa năm 2015, toàn huyện có khoảng 310 ha lúa bị sâu đục thân gây hại (chiếm 2,6% tổng diện tích lúa toàn huyện).

Nguyên nhân, do trong thời gian phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thời tiết có mưa nên hiệu quả không cao, ngoài ra còn do một số hộ dân sử dụng thuốc không đặc hiệu, không theo khuyến cáo của huyện, phun không đúng thời gian và phun xong gặp mưa không phun lại.


Với diện tích gieo trồng rau màu lên đến 243 ha, xã Quỳnh Hải được biết đến nhiều với danh hiệu vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của huyện Quỳnh Phụ.

Cũng tại bản báo cáo nêu: Trong số diện tích lúa bị sâu bệnh có 0,5 ha thuộc cánh đồng thôn Lê Xá, xã Quỳnh Hải (là khu vực nghĩa trang, đất xấu, nhiều gò đồng, chủ hộ canh tác chủ yếu có chồng đi làm ăn xa, vợ làm công nhân nên để lúa tái sinh, không thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn nên bị sâu đục thân gây hại nặng hơn), nhưng không thể đại diện cho toàn bộ 11.690 ha toàn huyện (bởi 11.380 ha lúa mùa của huyện năm 2015 cho năng suất cao, khoảng 62 tạ/ha).

Trong khi đó, với diện tích gieo trồng rau màu lên đến 243 ha, xã Quỳnh Hải được biết đến nhiều với danh hiệu vùng chuyên canh rau màu lớn nhất của huyện Quỳnh Phụ.

Hiện một năm, địa phương chuyên canh 3 vụ rau màu, 01 vụ lúa, với các sản phẩm rau màu chủ yếu như: Ớt, hành, tỏi,rau củ, cây gia vị… được canh tác, sản xuất theo các mô hình cánh đồng mẫu.

Theo tính toán của một cán bộ chuyên môn xã Quỳnh Hải, thu nhập từ rau màu cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa nên có thể nói, vụ lúa chỉ là phụ của địa phương này.

Bên cạnh đó, so với canh tác lúa, trồng rau màu dễ chăm sóc hơn, quay vòng vụ nhanh hơn nên được đa số người dân lựa chọn.

Được biết, Quỳnh Hải là xã thuần nông của huyện Quỳnh Phụ, có tổng diện tích đất canh tác trên 357 ha, trên 2.500 hộ với trên 9.000 nhân khẩu, có truyền thống trồng cây màu.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Quỳnh Hải đã hiến hàng ngàn m2 đất, hàng trăm ngàn ngày công và huy động hàng chục tỷ đồng để hiện thực hóa các tiêu chí về nông thôn mới;

Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đặc biệt, các vùng sản xuất chuyên màu chủ yếu đưa vào thâm canh các loại cây có giá trị kinh tế cao như:

Ớt, hành tỏi, bí xanh và một số loại cây rau màu khác với phương thức luân canh, xen canh gối vụ (có thể trồng từ 4 - 5 vụ/năm), cho thu nhập bình quân mỗi năm đạt từ 20 - 30 triệuđồng/sào.

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,92%.

Đến nay, xã Quỳnh Hải đã hoàn thành 17/19 tiêu chí và đang tiếp tục hoàn thành 2 tiêu chí còn lại về giao thông và cơ sở vật chất văn hóa.

Thiết nghĩ, từ thông tin mất mùa lúa ở vùng chuyên canh rau màu Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ rất có thể làm người dân nhiều địa phương lo lắng, hơn nữa, nó đặc biệt nhạy cảm với vùng quê có truyền thống canh tác lúa lâu đời như Thái Bình.

Vì vậy, việc thông tin trên báo chí nếu thiếu khách quan, phiến diện, không đúng bản chất sẽ dễ gây hiểu lầm, hoang mang cho dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, kinh tế - xã hội cũng như phong trào thi đua của địa phương.


Bến Tre sẽ sớm về đích Bến Tre sẽ sớm về đích Lạc giữa rừng phân bón Lạc giữa rừng phân bón