Yên Bái: Anh Giang nuôi lợn rừng lai theo chuỗi
Đến xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, không ai là không biết đến anh Phạm Trường Giang ở thôn Liên Phú bởi anh không chỉ là một trong những hộ phát triển kinh tế điển hình của xã mà còn là hộ đầu tiên trong xã nuôi lợn rừng lai theo chuỗi liên kết sản phẩm.
Một góc trang trại nuôi lợn rừng của anh Giang
Là một thanh niên sinh ra từ vùng quê Văn Phú nên ngay từ bé trong anh luôn có suy nghĩ phải lập nghiệp, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê mình. Sau nhiều năm phát triển kinh tế với nhiều hình thức khác nhau như: nuôi gà, lợn thịt, nuôi chim bồ câu... tuy có hiệu quả kinh tế nhưng giá cả lại bấp bênh, đầu ra sản phẩm luôn bị động và phụ thuộc nhiều vào thương lái. Năm 2014, qua tìm hiểu thông tin trên báo đài, internet anh Giang thấy có nhiều mô hình trang trại nuôi lợn rừng hiệu quả, trong đó có trang trại lợn rừng NTC với hệ thống các trang trại vệ tinh và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thấy đây là cách làm mới và có hiệu quả kinh tế, đầu ra lại ổn định, nên anh đến tham quan các điểm nuôi lợn lai rừng vệ tinh của trang trại lợn rừng NTC để xem cách làm, học hỏi kinh nghiệm và cách thiết kế chuồng nuôi. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, anh Giang quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 2 lợn đực rừng thuần giống Thái Lan cùng 15 lợn nái rừng lai F1.
Với suy nghĩ để chăn nuôi đạt hiệu quả cao thì chất lượng con giống đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng đàn lợn thịt sau này nên anh Giang đã quyết định mua đàn lợn giống ở trang trại lợn rừng NTC. Anh cũng cho biết thêm, đàn lợn nhà anh khi bắt về đã được tiêm phòng 14 loại vắc-xin, như: suyễn, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh, viêm phổi dính sườn... Khởi đầu anh Giang cũng lo lắng bởi kinh nghiệm còn ít, số vốn đầu tư lại lớn nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, hiếu học anh tự lên mạng tìm hiểu thông tin cách nuôi lợn rừng trên các trang mạng nông nghiệp, truyền hình VTC16... để áp dụng vào thực tế của gia đình. Cùng với đó, trong quá trình chăn nuôi anh luôn nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ trang trại lợn rừng NTC nên đàn lợn của gia đình anh sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn lợn rừng lai của gia đình, anh đã đầu tư gần 5 sào đất bãi để trồng chuối và cỏ voi. Thêm vào đó, anh còn dùng cám ngô ủ với men vi sinh, không những thêm dinh dưỡng vào thức ăn lại góp phần tăng sức đề kháng cho lợn. Không chỉ có vậy, được trang trại lợn rừng NTC hướng dẫn, anh trồng quanh nhà các loài cây thuốc nam như: hoàn ngọc, khổ Sâm, chè khổng lồ để bổ sung vào nguồn thức ăn cho lợn giúp phòng một số bệnh như: tiêu chảy, viêm phổi... góp phần làm hạn chế bệnh trên đàn lợn từ đó giảm chi phí thuốc kháng sinh.
Anh Giang đã đầu tư xây dựng thành 3 khu chuồng chính: khu chuồng lợn nái và lợn đực giống, khu chuồng lợn con, khu chuồng chuẩn bị xuất bán. Là một người cẩn thận, anh còn ghi chép vào sổ sách đầy đủ và quy trình chăm sóc cho tới tận lúc xuất chuồng để tiện cho quá trình theo dõi sự phát triển và sinh sản của đàn lợn. Đến nay, từ 17 con lợn rừng lai ban đầu, đàn lợn lai rừng nhà anh đã lên đến 300 con. Năm 2016, gia đình anh xuất bán được hơn 200 con lợn rừng lai, với giá bán trung bình 120.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu cho gia đình anh gần 500 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho thu lãi gần 200 triệu đồng.
Anh Giang chia sẻ: “Tôi lựa chọn nuôi lợn rừng lai và quyết định mua giống của trang trại lợn rừng NTC do lợn giống được đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ và đặc biệt trang trại cam kết bao tiêu toàn bộ lợn thương phẩm của gia đình nên tôi không còn lo về việc tiêu thụ lợn. Khi đàn lợn của tôi đến thời điểm xuất chuồng thì công ty sẽ lên thu mua toàn bộ sản phẩm với giá bán 120.000 đồng/kg nên bản thân tôi hoàn toàn yên tâm”.
Mô hình nuôi lợn rừng lai theo chuỗi của gia đình anh Phạm Trường Giang là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương, trong đó người chăn nuôi được cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi và được bao tiêu sản phẩm.
Đây là một trong những mô hình phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được rủi ro cho người chăn nuôi là một trong những mô hình cần được nhân rộng của thành phố Yên Bái nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ