Mô hình kinh tế Yếu kém nông sản Việt

Yếu kém nông sản Việt

Ngày đăng 30/09/2015

Yếu kém nông sản Việt

Lực đẩy và lực hút

TS Nguyễn Quốc Vọng, ĐH RMIT (Australia) cho rằng, năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO đã giúp nền kinh tế phát triển, trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã gấp 4 lần so với trước khi gia nhập, đạt mức 30 tỷ USD năm 2014.

Tuy nhiên, do Việt Nam chỉ xuất thô, giá trị chỉ khoảng 65% giá trung bình thế giới. Nhưng từ năm nay, khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào những thị trường mới, mang tính cạnh tranh cao, như thị trường thương mại tự do ASEAN (ATIGA) với giá trị GDP 1.300 tỷ USD;

Thị trường Liên minh Âu-Á (EEU) với GDP 4.000 tỷ USD và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với GDP 31.000 tỷ USD sẽ có cơ hội xuất khẩu vì đây là những thị trường sẽ xóa bỏ phần lớn thuế quan các mặt hàng nhập khẩu từ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Nhưng vấn đề đáng lo ngại ở đây là chất lượng gạo Thái Lan đang cao hơn gạo Việt Nam, chuối Philippines đẹp và bảo quản tốt hơn chuối Việt; hay như dưa, cà phê, ca cao của Indonesia chất lượng đồng đều hơn mặt hàng cùng loại của Việt Nam; hạt giống của Nhật Bản cũng bỏ xa Việt Nam về chất lượng.

Vì vậy, cơ hội thâm nhập vào thị trường ASEAN, EEU và TPP sẽ là những thách thức rất lớn, không dễ vượt qua khi phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn xuất thô nông sản, không đủ sức làm chủ thị trường .

Mặt khác, khi các dòng thuế quan được gỡ bỏ sẽ là lực đẩy, tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng nông sản Việt có thể vươn xa đi các nước, nhưng đồng thời cũng là lực hút nông sản các nước vào thị trường Việt, tạo sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nội địa.

Việt Nam tham gia ASEAN, EEU, TPP sẽ giúp nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu (ảnh chế biến cà tím xuất khẩu)

Những năm gần đây, tốc độ xuất khẩu có sự chậm lại và khó khăn hơn do việc chỉ xuất thô hay sơ chế.

Có giai đoạn như vào năm 2012 và 2013, gạo Việt chiếm đến 65% số lượng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng sang năm 2014 đã giảm còn 53% và hiện nay chỉ còn khoảng 47% khi có sự nhập cuộc của Myanmar, Thái Lan.

Thị trường Philippines cũng vậy, từ chỗ gần như độc chiếm việc cung cấp gạo cho nước này qua hợp đồng cấp chính phủ (G to G), nay cũng phải chia sẻ với “đối thủ” đáng kể là Thái Lan. 

Theo khảo sát của PGS-TS Hồ Thanh Phong, trong sản xuất và tiêu thụ của nông sản Việt có sự “lệch pha” cung cầu.

Khi một mặt hàng nông sản nào đó thu hoạch rộ lại thường rơi vào thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng xuống thấp, nên tình trạng được mùa mất giá đã trở thành điệp khúc.

Lời giải cho bài toán này là kéo dài thời gian bảo quản, lưu kho nông sản bằng việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, cùng với đó phải đẩy mạnh việc chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, giúp tiêu thụ bớt lượng hàng hóa dồi dào khi thu hoạch rộ.

Nông dân xã Mỹ Lệ (Long An) thu hoạch lúa chế biến gạo thơm chợ Đào nổi tiếng.

Ưu đãi doanh nghiệp nông nghiệp

Nếu nói trong sản xuất nông nghiệp chưa có chuỗi cung ứng nông sản là không đúng, nhưng chuỗi cung ứng đúng nghĩa lại quá ít, thậm chí có người cho rằng, chưa có chuỗi cung ứng một cách chuyên nghiệp.

Bởi đến nay, việc liên kết giữa các bên còn lỏng lẻo. Như ý kiến của TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập nông nghiệp, nông dân sản xuất nhỏ, manh mún không có nhu cầu liên kết, có gì bán cho các thương lái.

Bà con sẵn sàng “bẻ kèo” khi giá nông sản bên ngoài cao hơn giá trong hợp đồng, nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp phải mua đúng giá hợp đồng nếu giá thị trường thấp hơn; trong khi doanh nghiệp lại dùng dằng thu mua khi giá giảm hoặc gặp khó khăn về thị trường.

Do vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm những vi phạm của cả các bên, nên việc liên kết 4 nhà chỉ trên hình thức nhiều hơn. 

TS Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, hạn chế về hạn điền và hạn kỳ sử dụng đất đã và đang là những cản trở khiến nhiều mặt hàng nông sản không ứng dụng được công nghệ cao, lại sản xuất manh mún nên chất lượng thấp, không an toàn, khó xuất khẩu.

Để đột phá trong nông nghiệp chỉ có con đường là chính sách sử dụng đất đai dài hạn, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ bằng cách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp, đặc biệt khâu sau thu hoạch và chế biến và có chiến lược cũng như chính sách nông sản xuất khẩu.

Nuôi thủy sản ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, 3 yếu kém của nông nghiệp là liên kết yếu, chưa quan tâm đúng mức thị trường và việc phân chia lợi nhuận trên chuỗi giá trị không đều.

Về giải pháp, điều đầu tiên phải chú ý đúng mức đến chuỗi giá trị và như vậy, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào nông nghiệp.

Khuyến khích chuyên nghiệp hóa khâu phân phối, có chính sách ưu đãi việc lập công ty phân phối. Chính các công ty này sẽ đặt hàng các hợp tác xã và thay mặt hợp tác xã tương tác với thị trường.

Sản xuất phải theo thị trường và “thị trường” ở đây chính là doanh nghiệp, trực tiếp nắm bắt nhu cầu và xu hướng.

Theo PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc (ĐH Cần Thơ), muốn xây dựng chuỗi giá trị nông sản, các địa phương phải tìm cách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư thông qua các ưu đãi, bởi doanh nghiệp về đầu tư chính là động lực phát triển ở nông thôn.

Muốn phát triển chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nông sản, nhất thiết phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nông nghiệp.

Nếu không thay đổi trong thực tế về chính sách, có thể diễn ra tình trạng:

Nguồn lực xã hội không được khơi dậy cho nông nghiệp và lại bị vài đại gia (có tiền nhưng không có chuyên môn) chi phối, dẫn đến độc quyền trong đầu tư nông nghiệp.


Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh, khó đạt 8 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh, khó đạt… Bị khủng hoảng giá có ai cứu nông sản Việt Bị khủng hoảng giá có ai cứu nông…