Đánh bẫy tôm hùm
Bủa vây
Khác với 2 ngày trước tại khu vực Hàm Tiến, sóng yên biển lặng, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với tổ công tác khi thực hiện việc cắt phá, thu giữ lưới bẫy tôm hùm. Tàu tổ tuần ra vừa ra khỏi cửa biển, gió thổi mạnh cấp 4 giật đến cấp 5. Thành viên đoàn bắt đầu lo ngại cho chiếc ca nô tiền trạm ở phía trước. Chính vì gió giật mạnh hơn nên phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đoàn mới đến được khu vực Mũi Né – Long Sơn - Suối Nước.
Phía trong bờ, các dãy khu du lịch Cát Biển, Thùy Trang, Hòn Rơm 1, Nắng Hòn Rơm... biển trong xanh đến lạ kỳ. Vậy mà, chằng chịt mạng lưới bẫy tôm hùm bủa vây. Mới hiểu rằng vì sao trong cuộc hội thảo về phát triển du lịch các doanh nghiệp nhiều lần ca thán về tình trạng này.
Cả khu bờ biển trải dài đều có dấu tích của bẫy tôm hùm, có khu vực nhiều đến chằng chịt. Khi lực lượng công tác tiến hành câu móc để tháo dỡ, nhiều ngư dân đã có lời phản đối. Họ còn tự ý tháo dỡ khi thấy tổ liên ngành tuần tra.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa – Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né, cho biết: Tình trạng bẫy tôm hùm trước đây có nhưng chỉ vài hộ, nhưng đến năm 2010 không hiểu sao ngày càng nhiều hơn. Năm trước chúng tôi cũng đã tiến hành tháo dỡ, cắt bỏ nhưng gặp phải sự chống đối của bà con ngư dân.
Họ dùng phụ nữ, trẻ con cả trăm người chuẩn bị gạch đá để chống trả lực lượng liên ngành. Lần này với sự phối hợp chặt chẽ từ UBND thành phố Phan Thiết, Chi cục Thủy sản có những văn bản chặt chẽ hơn trong phối hợp và thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, Mũi Né có 108 hộ đang sinh sống bằng nghề bẫy tôm hùm, trong đó có 5 hộ đến từ Hòa Phú.
Không phải ngẫu nhiên mà ngư dân bất chấp an toàn, môi trường biển để “liều mạng”, vì món hời mà nó mang lại. Một con tôm hùm con nhỏ như sợi tóc khi đưa ra thị trường có giá không dưới 200 ngàn đồng. Không ít gia đình trúng vụ mang về món hời 500 – 600 triệu đồng. Vậy nên, họ bất chấp vi phạm, bất chấp những quy định về pháp luật khi thời điểm nghiêm cấm khai thác hải đặc sản.
Quyết liệt vì biển
Nếu như trong 2 ngày trước, tại khu vực Hàm Tiến có trên 50 hộ làm nghề bẫy tôm hùm, lực lượng chức năng đã thu giữ 300m lưới, 4.000 phao dây dùng để hỗ trợ việc bẫy tôm hùm, nhưng hiện tại khu vực Mũi Né - Long Sơn, có lẽ con số này không thể liệt kê được. Đây cũng là địa phương gần như có số lượng ngư dân không chấp hành những quy định chung của Nhà nước.
“Để có đợt tuần tra này cùng với các ngành, UBND phường đã thông báo trước cho ngư dân tự tháo dỡ, mời họp để thông báo chủ trương nhưng trong số 108 hộ thì chỉ có 6 hộ nghiêm túc chấp hành. Thậm chí để bảo vệ an ninh trật tự, UBND phường Mũi Né đã thành lập nhiều tổ công tác trên biển, trên bờ và tại UBND phường để giải quyết” – bà Hoa cho biết.
Ngay cả ông Đặng Thanh Tiến – Phó Phòng kinh tế Phan Thiết cũng ngỡ ngàng vì mật độ dày đặc bẫy tôm hùm tại khu vực này.
“Trước thực trạng này, chúng tôi sẽ ưu tiên tháo dỡ, cắt bỏ những bẫy tôm của ngư dân cố tình không chấp hành chủ trương tại khu vực biển du lịch, những hộ dân tự giác tháo dỡ chúng tôi sẽ để họ tháo dỡ. Nhưng phải triệt để theo tinh thần từ ngày 1/3 – 30/9 nghiêm cấm khai thác hải đặc sản” – ông Tiến cho biết.
Sau khi thực thi triệt để tại khu vực Mũi Né – Long Sơn – Suối Nước, đoàn sẽ tiến hành tại khu vực Tiến Thành, nơi có hơn 200 hộ cũng đang cày nát khu vực biển phía Nam đang phát triển về du lịch.
Bẫy tôm hùm thường rộ vào tháng 10 trở đi, nhưng một thói quen xấu của ngư dân là khai thác tận diệt. Hy vọng với chủ trương nhất quán này, môi trường du lịch biển sẽ được trở lại thời điểm ban đầu, quan trọng hơn là môi trường biển, hệ sinh thái biển sẽ được gìn giữ và bảo vệ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ