Tin nông nghiệp 15.000 ha xoài ba màu cho năng suất bội thu

15.000 ha xoài ba màu cho năng suất bội thu

Tác giả Ánh Tuyết, ngày đăng 05/10/2017

Giống xoài cho năng suất 15 tấn mỗi ha, giá bán trung bình 24.000 đồng một kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân.

Xoài ba màu trồng ở Cù lao Giêng. Ảnh: Bizmedia

Cây ăn trái có nguồn gốc từ Đài Loan, được người An Giang nhân giống và đổi tên thành xoài ba màu. Khi còn nhỏ, trái xoài có màu xanh, già đổi sang tím, chín lại chuyển vàng. Quả to, thịt dày, chắc, vị ngọt đậm, có thể nặng đến cả kg.

Xoài ba màu trồng chủ yếu ở huyện Chợ Mới, có khả năng sinh trưởng vượt trội so với giống khác. Cây cho trái ngắn ngày, sau 18-24 tháng trồng, mỗi năm thu hoạch hai vụ. Năng suất bình quân đạt 15 tấn quả mỗi ha, càng lâu năm thì sản lượng càng cao. 

Nhờ phù sa bồi đắp từ sông Tiền, nên đất đai ở Cù lao Giêng (gồm ba xã Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ) thích hợp trồng cây ăn trái. Ngoài xoài hòn, cát chu… của địa phương, bà con nông dân còn trồng xen canh giống ba màu, hoặc cấy ghép với cát chu.

Huyện Chợ Mới có khoảng 1.500 ha xoài ba màu. Riêng xã Bình Phước Xuân có gần 200 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. 7,5 ha đầu tiên của 9 hộ nông dân nhận được chứng chỉ này từ năm 2015. Đến nay đã nhân rộng lên thành hợp tác xã sản xuất VietGAP xã Bình Phước Xuân với thương hiệu "xoài ba màu Cù Lao Giêng".

Ông Nguyễn Hoàng Liệt - Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: "Xoài ba màu chủ yếu bán cho các thương lái tại địa phương để xuất khẩu Trung Quốc, Đài Loan. Năm 2016-2017, khoảng 5 tấn xoài đầu tiên đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc".

Hiện nay, xoài ba màu có giá bán trung bình 24.000 đồng mỗi kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Để tạo đầu ra ổn định, hợp tác xã đang kêu gọi  các nhà đầu tư mở nhà máy chế biến nông sản từ xoài (sấy, bánh, kẹo, mứt…).

Trồng xoài ba màu ở Cù lao Giêng

Để trồng xoài VietGAP, bà con ưu tiên dùng phân hữu cơ, vi sinh; lấy mẫu đất, nước định kỳ; lập sơ đồ nhà vườn, kho vật tư đúng quy định; sử dụng thuốc trong danh mục; hàng ngày ghi chép nhật ký chăm sóc...

Nông dân cũng nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn đất, chọn giống, bón phân, tưới nước. Định kỳ 1-2 tháng, cơ quan chức năng sẽ đến lấy mẫu quả đem kiểm nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu.

Cây từ khi ra hoa kết quả cho đến 50 ngày sau đều được bao trái. Bà con xã viên được tập huấn kỹ thuật này nhằm tránh sâu bọ, côn trùng đục quả, nắng làm rám màu...

Để thuận tiện cho việc thu hái, nông dân sẽ cắt tỉa cành, tạo tán cho cây tròn đều, cân đối. Hết mùa thì tiến hành bỏ bớt cành già, cành sâu bệnh, giúp cây thoáng và nhận đủ ánh sáng mặt trời để sinh trưởng tốt, cho năng suất vụ tới cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

ra-nuoc-ngoai-van-tuoi-duoc-vuon-dau-o-da-lat-chi-nho-dien-thoai Ra nước ngoài vẫn tưới… lam-giau-o-nong-thon-muon-giau-nuoi-ca-muon-kha-nuoi-lon Làm giàu ở nông thôn:…