An Giang nâng giá trị cá tra xuất khẩu từ chuỗi liên kết
Lợi nhuận tăng
Những ngày cuối tháng 3/2016, cái nắng gắt của mùa khô Nam bộ tỏa sức nóng hầm hập trên những ao cá tra rộng lớn tại xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã lấy đi rất nhiều mồ hôi của người nuôi cá nhưng bù lại cho họ những nụ cười lạc quan về sự no đủ. Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá của các gia đình tham gia chuỗi liên kết Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An (Tafishco), ông Nguyễn Văn Tấn (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) - hồ hởi nói: Trước đây, nuôi cá thường bấp bênh, thường xuyên xảy ra tình cảnh được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa. Có thời điểm giá cá xuống quá, gia đình ông phải “treo ao” chờ thời điểm thuận lợi mới dám thả cá trở lại. Thế nhưng mọi việc đã khác sau khi ông Tấn tham gia vào chuỗi liên kết của Tafishco. “Tôi đã không còn lo ngại về chuyện con giống, thức ăn hay đầu ra cho sản phẩm, bởi hàng tuần, người của công ty xuống xem xét về kỹ thuật, đo nhiệt độ nước, hướng dẫn cách cho cá ăn... Cá chuẩn bị xuất được là có người của công ty xuống thu hoạch, lợi nhuận tăng đều theo từng vụ” - ông Tấn chia sẻ.
Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco là mô hình trong chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 14 của Chính phủ. Đã có 28 doanh nghiệp được lựa chọn để thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố, tập trung vào các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm, lúa, rau màu… Qua gần hai năm triển khai, những dự án được khởi động ngày nào giờ đã nên vóc nên hình, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân, doanh nghiệp và khẳng định hướng đi đúng của cơ quan quản lý về một mô hình phát triển nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Với tỉnh An Giang, 41 năm sau ngày giải phóng đã vươn mình trở thành một trong những vùng trọng điểm về sản xuất lúa hàng hóa và xuất khẩu thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã có thêm cơ hội để xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo xu hướng mới thông qua các dự án được triển khai trong chương trình liên kết chuỗi giá trị. 4 dự án được triển khai tại An Giang được tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như cá tra, rau quả, lúa. Tính đến hết tháng 2/2016, số tiền đã giải ngân cho bốn dự án đạt 566,67 tỷ đồng, dư nợ đạt 325,11 tỷ đồng. Các dự án đều được giải ngân triển khai có kết quả tốt. Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - nhấn mạnh: Các chuỗi liên kết được thực hiện tại An Giang vừa qua rất hiệu quả. Mô hình liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm qua. Đó là vấn đề nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để sản xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư công nghệ, ngân hàng tăng trưởng tín dụng bền vững.
Chủ động nguồn nguyên liệu xuất khẩu
Những hiệu quả tích cực mà chuỗi liên kết mang lại cứ “đầy” thêm lên trong chuyến đi, khi chúng tôi được trò chuyện với lãnh đạo Công ty Thuận An - một trong bốn doanh nghiệp của tỉnh An Giang được NHNN phê duyệt thực hiện dự án thí điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân. Trong đó, Thuận An là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh An Giang cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đại diện cho lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra thực hiện thí điểm mô hình “Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco”. Người nông dân nuôi cá trong chuỗi này được giá hơn so với bán tự do trên thị trường vì vật tư, thức ăn chăn nuôi đều được mua với giá thấp hơn so với các hộ nuôi cá bên ngoài.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng giám đốc Tafishco - cho biết: Đến nay, công ty đã triển khai thả cá giống với diện tích mặt nước 48,7ha, đạt 68% so với diện tích dự án. Tổng số tiền Agribank chi nhánh An Giang đã giải ngân cho chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco là 231 tỷ đồng, đạt 55,5% so với tổng hạn mức được duyệt của dự án. Chuỗi liên kết cũng đã thu hoạch được 18.600 tấn cá, tương đương 393 tỷ đồng, đã hoàn vốn cho Agribank 245 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 251 tỷ đồng trên diện tích thả nuôi 49ha/72ha dự án. Tất cả dòng tiền trong hoạt động chuỗi đều được chuyển khoản qua tài khoản giao dịch tại ngân hàng gồm thanh toán tiền mua thức ăn nuôi cá, thanh toán tiền mua cá của người dân, xuất khẩu thu tiền của người nước ngoài, đảm bảo đầu tư đúng mục đích “Việc ban hành và triển khai thực hiện cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong suốt những năm trước đây đối với những hoạt động nuôi cá tra” - bà Trinh nhấn mạnh.
Theo tính toán của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, hiệu quả kinh tế mang lại cho các hộ nuôi cá tham gia chuỗi liên kết cao hơn các hộ nuôi không tham gia từ 500 - 1.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng nguyên liệu từ đầu vào đến đầu ra nên việc sản xuất, xuất khẩu cá tra sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ của Tafishco cũng ổn định hơn.
“Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco” dự kiến kết hợp 30 thành viên nhưng hiện mới có 13 hộ nông dân tham gia. Từ lợi ích thực tế của mô hình thí điểm tại tỉnh An Giang, hy vọng sẽ có nhiều chuỗi liên kết cây, con, lúa được phát triển không chỉ trên vùng đất “chín rồng” mà của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, để người dân và doanh nghiệp có thể làm giàu từ mảnh đất quê hương mình.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:
Để dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện có hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới, Chính phủ cần xem xét nghiên cứu ban hành chính sách bảo hiểm về giá cho các mặt hàng chủ lực như lúa, lúa nếp và cá tra thương phẩm nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho các hộ nông dân tái sản xuất sau mỗi vụ thu hoạch, đồng thời nghiên cứu phương án bảo hiểm mùa vụ cho người nông dân và doanh nghiệp khi triển khai chuỗi liên kết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ