Nuôi lợn (Heo) An toàn sinh học giúp hạn chế bệnh tiêu chảy cấp trên heo

An toàn sinh học giúp hạn chế bệnh tiêu chảy cấp trên heo

Tác giả VietDVM team (biên dịch), ngày đăng 12/11/2018

Virus PED (PEDV) đang thách thức các chương trình an toàn sinh học tại Bắc Mỹ buộc các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường phải tăng lên một cấp độ mới mới có thể bảo vệ trang trại khỏi PEDV. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các thay đổi mới giúp các trang trại nhanh chóng nắm bắt thông tin và không bị động trong khâu vệ sinh phòng bệnh.

Ảnh 1: những tiêu chuẩn an toàn sinh học cũ không còn khả năng bảo vệ trang trại trước PEDV được nữa

Bệnh PED vào Bắc Mỹ từ năm 2013 và nhanh chóng lây lan làm thiệt hại vô cùng to lớn cho ngành chăn nuôi heo khu vực này. Mặc dù một số hệ thống các trang trại đã áp dụng thành công các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn sự xâm nhập của virus tai xanh (PRRS) và suyễn heo (Mycoplasma hyopneumoniae), tuy vậy các biện pháp này vẫn không thể ngăn chặn thành công sự xâm nhập của PEDV.

PEDv lây lan với một tốc độ chóng mặt trong những tháng mùa đông năm 2013-2014 cho đến hè năm 2014 mới có dấu hiệu lây lan chậm lại.

Ở một mức độ nào đó, tính chất lây nhiễm cao của virus này được kích hoạt nhằm phá vỡ hàng rào an toàn sinh học được thiết lập trước đó. Một heo con sơ sinh nhiễm bệnh PED cung cấp hàng tỷ đơn vị virus trong mỗi gram phân dù chúng chỉ cần một lượng nhỏ các đơn vị cần thiết để lây nhiễm sang những heo con sơ sinh tiếp theo. Phân của một heo con nhiễm PEDV sau khi được pha loãng với tỷ lệ 1:100.000.000 vẫn có thể lây nhiễm sang cho những heo con khác.

Các biện pháp an toàn sinh học được cho là tốt nhất từ trước tới nay, giúp trại phòng tránh được các bệnh khác một cách hiệu quả thì nay sau khi áp dụng vẫn còn để lại các dấu vết của PEDV trong xe vận chuyển và trong chuồng heo đẻ.

Các chủ trang trại, các nhà sản xuất trong ngành đã ý thức được việc khử trùng bằng nước nóng so với nước lạnh như trước đây. Để ngăn chặn sự di chuyển của PEDV hoặc để loại bỏ nó, các nhà sản xuất, chăn nuôi nhận ra vệ sinh an toàn sinh học cần được cải thiện, các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường đã nâng lên một cấp độ mới nhằm hạn chế tối đa bệnh PED.

Nhằm làm giảm sự lây lan của PEDV, các chủ trang trại và các bác sỹ thú y cũng đã có những cải tiến trong lĩnh vực an toàn sinh học, các cải tiến tập trung vào:

- Thành phần thức ăn, quy trình và giao hàng.

- Cách ly các thiết bị giao thông vận tải.

- Mục xử lý cho người và vật liệu nhập cảnh.

- Quản lý nước thải.

- Xử lý xác động vật bệnh.

Thức ăn chăn nuôi có thể là nguồn lây bệnh PED.

PEDV lây truyền theo đường phân-miệng, nghĩa là heo con nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phân của heo con đã bị bệnh. Việc virus lây nhiễm do thức ăn có chứa thành phần ô nhiễm hoặc do nguyên liệu sản xuất thức ăn chưa sạch virus là hoàn toàn có khả năng. Các bác sỹ thú y đã đặc biệt lưu ý các thành phần thức ăn và nguồn nguyên liệu có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Từ đó, quá trình tiếp nhận nguyên liệu số lượng lớn (ví dụ như ngô và khô đậu tương) đã được đặc biệt chú ý, ngăn không cho các nguyên liệu này tiếp xúc với nước đá và bùn nghi chứa mầm bệnh PED.

Tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi, giải phân cách giữa các xe tải chở nguyên liệu và các xe tải đi giao thức ăn được bố trí lại sao cho hạn chế việc tiếp xúc với nhau là ít nhất hoặc không cho tiếp xúc với nhau.

Trong một số trường hợp, có công ty còn dành riêng một nhà máy và một số trang thiết bị để cung cấp riêng cho các trang trại chưa bị nhiễm bệnh. Thậm chí có công ty còn chi trả thêm tiền để đẩy nhanh tiến độ giao hàng cũng như để xe hàng được di chuyển trong những tuyến đường an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm trên đường đi và để khử trùng phương tiện cẩn thận trước khi xe quay trở về nhà máy.

Một số ít trường hợp các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi còn bổ sung thêm thành phần thuốc khử trùng (ví dụ như formalin) vào trong thức ăn nhằm giảm bớt rủi ro cho trang trại.

Phương tiện vận chuyển.

Bên cạnh việc tập trung vào vệ sinh các phương tiện vận tải, một số nhà máy tách riêng các phương tiện ra làm các nhóm khác nhau. Ví dụ như, một đội xe chuyên vận chuyển cho các trang trại đã nhiễm bệnh PED, còn một đội chuyên vận chuyển cho các trang trại chưa nhiễm bệnh. Hay những xe tải đã tiếp xúc với các trạm cuối cùng hoặc các điểm thu gom hàng sẽ tách biệt với các xe chở con giống hoặc các xe vận chuyển trong nội bộ cơ sở sản xuất.

Vấn đề nhập cảnh của người và vật liệu.

Toàn bộ người cũng như những vật liệu muốn vào trại đều được kiểm soát kỹ lưỡng từ đôi dép bẩn cho đến quần áo. Tất cả được chuẩn hóa thành quy trình và phổ biến rộng rãi trong trại bằng cách đưa vào quy trình đào tạo nhân viên hay thậm chí là dán lên tường để mọi người (kể cả khách mời) đều có thể nắm được. làm tốt công tác này là các trang trại đã hạn chế được khá nhiều nguy cơ nhiễm bệnh PED.

Quản lý nước thải tốt sẽ hạn chế truyền lây bệnh PED như thế nào?

Vì PED là bệnh “phân-miệng” nên việc quản lý nguồn nước thải cần đặc biệt được chú ý. Các công ty chăn nuôi theo đó cũng nhận ra giá trị và tầm quan trọng của hệ thống xử lý nước thải giành riêng cho từng khu trại một → hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền ngang bệnh PED giữa các khu vực trong trại với nhau.

Trong trường hợp đặc biệt nếu cần thiết phải dùng chung hệ thống xử lý nước thải giữa các dãy chuồng nuôi thì toàn bộ thiết bị, giao ước cần được tuân thủ chặt chẽ và ghi chép, theo dõi cẩn thận nhằm hạn chế tối đa nhất sự lây nhiễm virus theo chiều ngang.

Không nên có sự tiếp xúc giữa các tài xế lái xe nước thải cũng như các thiết bị của họ với những người chăm sóc, lái xe tải hoặc những nhân viên giao hàng thức ăn chăn nuôi.

Ảnh 2: tách biệt xe chở nước thải với khu vực sản xuất là điều tối cần thiết để kiểm soát PEDV

Xử lý xác động vật chết do bệnh PED.

PEDV gây tử vong. Nếu di chuyển xác của chúng ra khỏi trang trại để xử lý thì toàn bộ xác heo bệnh cũng như con người và vật dụng tiếp xúc với chúng đều trở thành những nguồn truyền lây bệnh tiềm năng.

Các điểm thu gom xác heo bệnh PED của nhiều cơ sở sản xuất lại càng đặc biệt nguy hiểm hơn nữa. với những xác heo bệnh này thì chôn lấp, tiêu hủy và ủ phân là phương pháp đang được áp dụng nhiều nhằm hạn chế lây truyền bệnh.

Ngoài tất cả các khía cạnh được đề cập đến ở trên, để đảm bảo tốt công tác an toàn sinh học cho mỗi cơ sở sản xuất, chúng ta còn cần đẩy mạnh truyền thông và giáo dục như là yếu tố theo chốt. Không có công nhân hay tài xế xe tải nào muốn gieo rắc mầm bệnh cả nhưng đôi khi, do sự thiếu hiểu biết mà người ta không nhận ra ảnh hưởng của hành động của họ lên các vấn đề an toàn sinh học hay sức khỏe của cả đàn heo.

Muốn ngăn ngừa sự lây lan của PEDv chúng ta cần một cấp độ mới của việc chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Đào tạo nhân sự là việc làm cần thiết trong tất cả các phân đoạn của dây chuyền sản xuất.

Đối phó với PEDv trong 2013-2014 đã để lại nhiều bài học xương máu, nhưng với những kinh nghiệm đó, các nhà sản xuất chăn nuôi heo Bắc Mỹ đã thay đổi một loạt các tiêu chuẩn, biện pháp và hành động thực hành an toàn sinh học và thực tế đã chứng minh khi mùa đông tiếp sau đó, chỉ có một số ít trang trại ở Bắc Mỹ nhiễm bệnh PED. Thời gian sẽ chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp mới này và nếu khả thi, chúng sẽ được nhân rộng ra nhiều trang trại khác trên thế giới.

 


Có thể bạn quan tâm

tiem-nang-cua-cac-axit-huu-co-trong-khau-phan-thuc-an-cho-lon Tiềm năng của các axit… nuoi-lon-khong-co-khang-sinh-lam-the-nao Nuôi lợn không có kháng…