Tôm thẻ chân trắng Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến tôm thẻ chân trắng nuôi biofloc

Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến tôm thẻ chân trắng nuôi biofloc

Tác giả NH Tổng Hợp, ngày đăng 06/04/2020

Cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến kích cỡ và tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc

Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến trên thế giới, sản lượng không ngừng tăng qua các năm. Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm biển với mức độ ngày càng thâm canh hóa làm môi trường nước ô nhiễm và việc ứng dụng công nghệ biofloc có thể được xem là một giải pháp thay thế tích cực và có thể áp dụng rộng rãi, thay cho công nghệ nuôi tôm truyền thống để giải quyết lượng nitơ thải ra từ thức ăn gây nên sự biến đổi bất lợi cho môi trường ao.

Khi ương giống tôm thẻ ở cường độ ánh sáng khác nhau thì sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành biofloc và sự phát triển của tôm. Bên cạnh đó, ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sinh vật và đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm (Vũ Trung Tạng, 2011) cường độ ánh sáng có ảnh hưởng đến sự lột xác và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Chính vì thế, nghiên cứu “Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng khác nhau lên sinh trưởng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc” được thực hiện nhằm xác định cường độ ánh sáng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc.

Bố trí thí nghiệm

Tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N=15:1), thể tích nước trong bể 300L với độ mặn 15‰ và mật độ 150 con/m3, khối lượng trung bình của tôm bố trí là 0,54 g và chiều dài là 3,69 cm. Thời gian thực hiện thí nghiệm là 90 ngày. 

Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức: (i) Ánh sáng tự nhiên; (ii) che tối hoàn toàn; (iii) sử dụng 1 bóng đèn compact 30w; (iv) đèn compact 55w và (v) đèn compact 110w. 

Ở nghiệm thức ánh sáng tự nhiên được bố trí ngoài trời, các nghiệm thức còn lại được bố trí trong nhà và nghiệm thức (ii) được che tối bằng bạt đen trong suốt quá trình nuôi. 

Thời gian chiếu sáng ở các nghiệm thức sử dụng đèn là 12 giờ/ngày (6 đến 18 giờ hàng ngày), các bóng đèn được đặt ở giữa bể và nằm trọn trong bể để không ảnh hưởng đến cường ánh sáng của các bể khác. 

Bột gạo được sử dụng làm nguồn carbohydrate bổ sung vào bể nuôi để tạo biofloc. Lượng bột gạo cần bón ở từng bể được xác định dựa trên tổng lượng thức ăn cho cá ăn trong 4 ngày và được bón 4 ngày/lần (Avnimelech, 1999). Trước khi bón, bột gạo khuấy đều với nước 40oC theo tỷ lệ 1 bột gạo: 3 nước và được ủ kín trong 48 giờ. 

Kết quả

Khi che tối hoàn toàn thì hạt biofloc có kích cỡ nhỏ, hàm lượng chlorophyll-a và mật độ vi khuẩn tổng thấp hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức có ánh sáng. 

- Khi sử dụng đèn 55w với cường độ ánh sáng 6.266 – 6.312 lux để nuôi tôm thẻ chân trắng thì tốc độ tăng trưởng (4,03 %/ngày), tỉ lệ sống (58,9%), sinh khối của tôm nuôi đạt kết quả cao nhất (1,8 kg/m3 ) và ngược lại ở nghiệm thức che tối hoàn toàn thì tôm có tỉ lệ sống, tăng trưởng thấp nhất. 

- Thành phần sinh hóa của tôm nuôi sử dụng ánh sáng đèn và ánh sáng tự nhiên khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Nghiệm thức che tối hoàn toàn có điểm số thấp nhất về chỉ tiêu màu sắc, mùi vị của tôm nuôi.

Kết quả nghiên cứu này thể hiện, ánh sáng đã ảnh hưởng đến sự hình thành hạt biofloc, chiều dài và chiều rộng hạt biofloc tăng dần về cuối thời gian nuôi, sau thời gian mật độ vi khuẩn, nguyên sinh động thực vật phát triển tốt thì các hạt biofloc kết thành những hạt lớn hơn. 

Như vậy, thay thế ánh sáng tự nhiên bằng đèn 55w cho thấy sự tăng trưởng của tôm về khối lượng, chiều dài cũng như tỷ lệ sống tương đương nhau và có thể áp dụng với các hệ thống nuôi tôm biofloc trong nhà.

Theo Lê Quốc Việt và cộng sự. 


Có thể bạn quan tâm

dom-den-tren-tom-nuoi Đốm đen trên tôm nuôi anh-huong-cua-qua-trinh-dong-da-den-chat-luong-tom-the-chan-trang Ảnh hưởng của quá trình…