Tôm thẻ chân trắng Bã mía có hiệu quả tốt trong nuôi tôm nước lợ an toàn sinh học

Bã mía có hiệu quả tốt trong nuôi tôm nước lợ an toàn sinh học

Ngày đăng 21/08/2015

Bã mía có lợi cho ao nuôi

Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, sự tích lũy các hợp chất hữu cơ chứa Nitơ trong ao dẫn đến môi trường ao nuôi bị ô nhiễm là vấn đề thường gặp phải. Nguyên nhân là do cơ thể tôm chỉ có thể hấp thụ 20-30% protein trong thức ăn, phần còn lại sẽ thải ra môi trường bên ngoài qua phân; cộng với việc quản lý thức ăn của nông dân nuôi tôm chưa tốt, dẫn đến thức ăn dư thừa. Các hợp chất tích tụ dưới đáy ao tôm cuối cùng sẽ chuyển thành amoniac (nhất là NH3).

Đối với những ao tôm quản lý tốt, việc kiểm soát amoniac được kiểm soát bởi tảo, nhưng đối với các nuôi nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thì lượng amoniac trong ao rất lớn, nên phần lớn được tích tụ dưới đáy ao. Lượng amoniac dư thừa trở thành nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn cố định đạm qua phản ứng nitrat hóa và tạo ra chất độc NO2. Để giải quyết vấn đề môi trường nước lúc này, giải pháp thay nước là đơn giản và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, việc thay nước đối với ao nuôi tôm nước lợ không phải lúc nào cũng thực hiện được, do hầu hết các hộ nuôi tôm thiếu ao lắng để xử lý nước trước khi cấp nước cho ao nuôi, mầm bệnh trong môi trường cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì thế, để triệt tiêu hết các hợp chất chứa Nitơ vô cơ như amoniac (NH3) và nitrit (NO2) nhằm giúp tôm phát triển tốt thì việc bổ sung carbon (C) vào ao nuôi được xem là khả thi nhất.

Theo các tài liệu nghiên cứu, việc thêm carbon vào ao nuôi sẽ làm tăng hiệu quả hấp thụ các nguồn nitơ vô cơ trong ao nuôi nhờ vi khuẩn dị dưỡng. Bởi, các vi khuẩn dị dưỡng cần nguồn carbon hữu cơ cùng với nitơ theo một tỷ lệ nhất định để tạo tế bào mới. Tuy nhiên, trong các ao nuôi thủy sản, lượng nitơ tích lũy dưới đáy ao rất nhiều, nhưng nguồn carbon rất hạn chế. Do đó, nếu bổ sung lượng carbon thích hợp vào ao nuôi tôm, các vi khuẩn dị dưỡng sẽ chuyển hóa tốt hơn lượng nitơ sẵn có trong ao nuôi cũng như các chất độc vô cơ như NH3, NO2.

Qua tìm hiểu thực tế ở nước ta, bã mía trong các nhà máy đường được thảy ra hàng năm rất lớn, chiếm 20-30% lượng mía đem ép. Đây là phụ phẩm có rất nhiều carbon hữu cơ, cụ thể thành phần của bã mía khô có khoảng 45-55% Cellulose, 20-25% Hemicellulose, khoảng 18-24% Lignin, 1-4% tro và gần 1% sáp. Tùy theo loại mía và đặc điểm nơi trồng mía mà thành phần hoá học các chất có trong bã mía khô có thể thay đổi. Do đó, bột bã mía là một nguyên liệu rất tốt dùng để bổ sung carbon hữu cơ vào trong ao nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh.

Ứng dụng thành công trong thực tế

Trong 3 vụ tôm nuôi gần đây, ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu liên tục trúng mùa trong khi tình hình dịch bệnh ở các tỉnh ĐBSCL diễn biến phức tạp. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công này của ông Ngoãn là do áp dụng biện pháp nuôi an toàn sinh học bằng cách tận dụng bã mía.

Ông Ngoãn kể: “Ban đầu tôi không tin điều này, nhưng do sự thuyết phục của một kỹ sư thủy sản cũng thử nuôi 2 ao bằng cách trộn bã mía vào ao nuôi, chứ không bỏ ao chờ qua đợt dịch bệnh. Đến nay, 2 vụ tôm thẻ chân trắng đầu từ khi sử dụng bã mía đã thành công, còn vụ tôm sú đang nuôi chuẩn bị thu hoạch”.

Theo ông Ngoãn, trong suốt quá trình từ khâu cải tạo ao cho đến thu hoạch không cần sử dụng bất cứ loại hóa chất nào dùng cho thủy sản, chỉ cần dùng bã mía rải vào ao. Bột bã mía sẽ làm cho độ kiềm và pH trong ao tôm luôn ổn định, nguồn nước có nhiều vi sinh vật có lợi và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (gây hoại tử gan tụy trên tôm) gần như không có.

Việc sử dụng bã mía trong nuôi tôm giúp giảm chi phí đầu tư hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đến 60-70% do không cần dùng vôi xử lý nước, không dùng các chất cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học do hệ tảo và vi sinh vật có lợi trong ao phát triển tốt và ổn định. Hiện nay, giá bột bã mía bán tại các lò mía đường khoảng 2.500 đồng/kg. Với liều lượng sử dụng khoảng 2.500 kg bã mía/ha thì tổng chi phí sử dụng bã mía (thay cho các loại thuốc, hóa chất dùng trong nuôi tôm) chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha.

TS Vũ Anh Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Thủy sản Minh Hải (Cà Mau) là người đã đi khảo sát, nghiên cứu và nuôi thử nghiệm phương pháp nuôi tôm bằng bã mía nhận định: phương pháp này có thể nói là thành công nhất hiện nay, dù không phải 100% tôm không bị bệnh, nhưng tỷ lệ chết giảm.

Theo ông Tuấn, bột bã mía thường được dùng cho trồng trọt để bổ sung các chất như: sắt, kẽm, phốt pho cho cây. Ở trong nước, bột bã mía giúp bổ sung chất khoáng cho hệ thực vật như tảo phát triển,… Khi ứng dụng phương pháp này, hệ vi sinh vật có lợi phát triển  tốt, từ đó làm pH trong nước ổn định. Chính vì vậy, người nuôi không cần phải dùng nhiều vôi, hóa chất nâng độ pH trong nước, nhất là trong hai tháng đầu nên chi phí đầu tư giảm đáng kể.

Phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách tận dụng bã mía mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học một cách bài bản, nhưng với những kết quả ban đầu có thể nói đây là hướng đi mới giúp giảm chi phí sản xuất, an toàn, hiệu quả và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tags: ba mia trong nuoi tom, su dung ba mia trong nuoi tom nuoc lo, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

nhung-dot-pha-trong-nuoi-trong-thuy-san Những đột phá trong nuôi… hai-sam-cat-giup-lam-giam-o-nhiem-tang-loi-nhuan Hải sâm cát giúp làm…