Tin thủy sản Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa bão

Tác giả Phan Văn Phương, ngày đăng 22/11/2019

Để hạn chế tác động xấu của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, cá nuôi và nguy cơ thất thoát tài sản, sản phẩm thủy sản trong ao hồ, lồng nuôi do ảnh hưởng bất thường của thời tiết và mưa lũ trong tình hình hiện nay, chúng tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp cần tiến hành sau đây:

Hiện đang mùa mưa bão, nếu tôm cá đạt đến kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay. Ảnh minh họa: Báo Thừa Thiên Huế

Đối với ao nuôi cá:

Người nuôi cần kiểm tra và tu bổ lại đê bao cho chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Đặt những ống xả tràn để xả nước khi nước trong ao quá lớn, hoặc chủ động tháo nước trong ao, nhằm đề phòng nước tràn bờ cá sẽ đi theo ra hết. Chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc xẻng để gia cố sửa chữa hệ thống đê bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra.

Khi mưa xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết, sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 2-3kg/100m3 nước. Cần rải vôi bột xung quanh bờ ao; sau các đợt mưa lớn nên tháo bớt nước tầng mặt hoặc bổ sung nước từ ao chưa lắng/xử lý (nếu có điều kiện). Đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

Đối với ruộng lúa kết hợp nuôi cá trong mùa mưa bão:

Để đảm bảo an toàn cho ruộng nuôi, bà con cần gia cố, tu bổ ruộng nuôi và tính thời vụ nuôi hợp lý. Nếu thuỷ sản đạt đến kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay. Ruộng nuôi phải có đê bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước, tuỳ thuộc vào diện tích của ruộng nuôi để bố trí số lượng cho phù hợp. Trên bờ đê cần có lưới vây xung quanh ruộng nuôi. Hàng ngày kiểm tra lưới để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thoát tôm cá. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ vùng, đắp lại những nơi xung yếu chống nước tràn qua bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh đề phòng tắc nước. Những vùng nuôi cá ruộng lúa lớn có thể cấm khai thác cá bằng cách đăng lưới hình chữ V, như vậy sẽ làm ngăn cản dòng chảy đồng thời giảm diện tích thoát nước. Cần chuẩn bị máy bơm nước để tiêu nước khi cần thiết.

Đối với nuôi lồng bè trên sông:

Phải gia cố lồng vững chắc, di chuyển về nơi neo giữ an toàn. Nếu không di chuyển được cần hạ lồng bè xuống sâu để giảm bớt sóng đánh làm hư lồng. Vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để thoát nước được nhanh. Kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh khi gió bão lớn làm vỡ lồng. Những nơi có dòng chảy lớn phải dùng những tấm phên hoặc tấm bạt che chắn phía trước lồng để ngăn bớt dòng chảy mạnh trực tiếp lên cá nuôi.

Bên cạnh đó, cũng nên chuẩn bị thuyền máy để hỗ trợ khi cần thiết. Nuôi cá lồng, bè cần sử dụng chất khử trùng treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 3 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác. 

Đối với ao nuôi tôm:

Vào mùa mưa bão, người nuôi tôm cần kiểm tra và gia cố lại bờ đê, sửa chữa và giằng néo lại chòi canh và các công trình phụ trợ khác được chắc chắn. Cần vệ sinh ao nuôi, kiểm tra lại cống xả tràn và chuẩn bị nguồn nước sạch để thay nước cho ao nuôi khi cần thiết. Rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Nên tăng thời gian chạy sục khí để tránh thiếu oxy và tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất. Kiểm tra và sửa chữa lại hệ thống điện cẩn thận để đảm bảo an toàn khi có gió bão. Các chòi canh, ao nuôi cần được trang bị đèn pin, phao cứu sinh. Người nuôi tôm tuyệt đối không được ở lại trên các chòi canh, ao nuôi khi có bão đổ bộ vào,  người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi. Nếu không thực sự cần thiết, người nuôi không nên sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào ao nuôi tôm, mà lấy nước qua ao lắng và xử lý nước trước khi bơm vào ao nuôi tôm.

Người nuôi cũng cần bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn tôm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, chống chịu các điều kiện thời tiết bất thường.  Chủ động dự trữ các loại vôi, chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng để xử lý môi trường nước. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Khi có hiện tượng bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ và nuôi thuỷ sản một cách có hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-that-lat-cuom-dem-lai-thu-nhap-cao Nuôi cá thát lát cườm… giam-thieu-tac-dung-phu-cua-ammonia-tren-ca-nuoi Giảm thiểu tác dụng phụ…