Mô hình kinh tế Bế Tắc Trong Dồn Điền Đổi Thửa

Bế Tắc Trong Dồn Điền Đổi Thửa

Ngày đăng 23/08/2013

Một xã có gần chục xứ đồng, với ba dạng địa hình trung du, gò đồi và trũng, chất đất, năng suất ở mỗi vùng vênh nhau, khiến việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) rơi vào bế tắc.

Không dồn được ô thửa lớn

Ông Phùng Trọng Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết, xã có 8 thôn, với 4 đội sản xuất, khi DĐĐT xã chia thành 4 phương án. Trong đó, đối với các hộ có ruộng ở những xứ đồng xấu nếu có nhiều mảnh, các hộ sẽ bốc thăm với nhau để dồn lại một khu, chứ không chia lại theo kiểu cào bằng như nhiều nơi khác. "Nếu cào bằng, chắc chắn sẽ có hộ bốc phải khu ruộng xấu, khiến họ gặp khó khăn.

Do đó, xã thống nhất với các thôn, đội, tiểu ban DĐĐT chỉ dồn đổi thành khu, chứ không chia lô rồi ai bốc được lô nào lấy lô đó" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, cách chia này đang gặp phải sự phản đối của nhiều hộ dân. Ông Nguyễn Văn Nguyên, thôn Yên Mỹ bày tỏ: "Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng, nằm ở 3 xứ đồng, trong đó có 2 xứ đồng xấu.

"Việc ép các xã hoàn thành các tiêu chí NTM trong một thời gian ngắn sẽ gây nên nhiều hệ lụy, như nông dân phải đóng góp quá sức, chất lượng công trình không đảm bảo...". Ông Phùng Huy Vinh

Nếu theo cách chia của xã, ruộng của gia đình tôi vẫn ở 3 xứ đồng, chỉ khác là dồn thành một khu, nghĩa là hộ nào có ruộng xấu thì vẫn mãi chịu ruộng xấu, không được ai chia sẻ". Theo ông Phan Văn Nhót, ở thôn Yên Nghĩa, đối với những hộ có nhiều diện tích ở xứ đồng xấu, Nhà nước cần hỗ trợ về phân bón, giống, bơm tiêu úng…

Trao đổi với chúng tôi về cách chia "bất đắc dĩ" trên, ông Đỗ Hoàng Năm - Trưởng thôn Yên Mỹ cho hay: "Quả thật cả thôn và xã đều bế tắc cách chia. Nếu căng dây, chia theo ô bàn cờ như đồng bằng thì các thửa ruộng sẽ bị băm nát, rất khó cải tạo".

Khó về đích đúng hẹn

Ông Dũng cho biết, xã Thanh Mỹ được Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây phê duyệt Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu hết năm 2015 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM. "Mục tiêu là thế, nhưng hiện xã mới đạt 9/19 tiêu chí, 5 tiêu chí gần đạt và 5 tiêu chí chưa đạt. Với nguồn lực có hạn, chủ yếu trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá đất, trong khi đất cũng không có giao dịch nên xã rất khó về đích vào năm 2015" - ông Dũng nói.

Ông Phùng Huy Vinh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết: "Để xây dựng một xã NTM, kinh phí cần khoảng 250 - 400 tỷ đồng (tùy từng nơi), trong khi đó, ngân sách xã mỗi năm chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, sức đóng góp của người dân thì có hạn. Vì thế, theo tôi nên "giãn" thời gian về đích cho các xã, không riêng gì Thanh Mỹ".


Có thể bạn quan tâm

khac-phuc-ket-hat-kem-va-ra-trai-chia-tren-cay-ngo-1 Khắc Phục Kết Hạt Kém… dinh-duong-phu-hop-cho-lua-thom Dinh Dưỡng Phù Hợp Cho…