Trồng lúa Bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát, gây hại trên diện rộng

Bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát, gây hại trên diện rộng

Tác giả Hà Phương, ngày đăng 06/10/2018

Lúa bị lùn sọc đen (LSĐ) là do virus. Đây là bệnh rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc trừ. Tại Ninh Bình, trong các năm 2009, 2010, 2017, hàng nghìn ha lúa đã bị nhiễm loại bệnh này, nhiều diện tích bị giảm năng suất, thậm chí không cho thu hoạch. ở vụ mùa 2018 này, mặc dù ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý đất, hạt giống, trừ rầy môi giới, bảo vệ mạ… với quyết tâm không để bệnh LSĐ xuất hiện trở lại nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện tại loại bệnh này đã phát sinh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa mùa tại xã Gia Thịnh (Gia Viễn). Ảnh: Minh Đường

Virus lùn sọc đen có ở mọi nơi

Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong trên 34 nghìn ha lúa mùa, trong đó diện tích lúa gieo thẳng là hơn 50%. Hiện, trà xuân sớm lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, trà mùa trung và mùa muộn ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt & BVTV, Sở Nông nghiệp & PTNT cho thấy bệnh LSĐ đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương, cùng với đó mật độ rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh LSĐ) cũng đang tăng nhanh. 

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Từ ngày 17/7 bệnh bắt đầu xuất hiện ở HTX Liên Huy, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn và HTX Đông Yên, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô trên giống LT2… ở giai đoạn đẻ nhánh, cuối đẻ nhánh. 

Đến ngày 3/8, bệnh tiếp tục lây lan và gây hại rải rác ở HTX Mùa Thu, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; xã Văn Phương, huyện Nho Quan trên giống LT2, Khang dân 18 ở giai đoạn cuối đẻ nhánh. 

Về diễn biến của rầy lưng trắng, trưởng thành rầy lưng trắng lứa 4 xuất hiện từ ngày 20/7, đặc biệt mật độ rầy di trú tăng nhanh sau cơn bão số 3 trên các trà lúa, nhất là trên diện tích lúa gieo sạ, mật độ hiện tại phổ biến từ 100-200 con/m2, cá biệt có nơi từ 1.000-1.500 con/m2 như ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn và thành phố Tam Điệp.

Tổng hợp kết quả các đợt lấy mẫu lúa, rầy gửi đi giám định từ ngày 17/7 đến  3/8 cho thấy: Với tổng số 20 mẫu lúa, 1.020 mẫu rầy thì có 7 mẫu lúa và 97 mẫu rầy dương tính với virus LSĐ. Các địa phương có mẫu lúa, rầy mang virus LSĐ bao gồm: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp. 7/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các mẫu lúa, rầy mang virus gây bệnh LSĐ, chỉ riêng thành phố Ninh Bình là chưa thấy, như vậy có thể nói virus LSĐ đang tồn tại ở khắp mọi nơi.

Theo nhận định của ngành chuyên môn thì nguồn bệnh đã xuất hiện và sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt trên diện tích lúa mùa trung, diện tích lúa gieo sạ. Đặc biệt, năm nay bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn lúa đẻ nhánh, là giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh nên khả năng lây lan lớn. 

Trong khi đó, điều kiện thời tiết vụ mùa đang thuận lợi cho rầy phát sinh với mật độ cao và cho virus LSĐ nhân lên trong cơ thể côn trùng và trong cây lúa. Do vậy, nguy cơ bệnh LSĐ phát sinh thành dịch gây hại ở vụ mùa 2018 là rất lớn.

Tăng cường điều tra, phát hiện, phòng chống

Trước mức độ nguy hiểm và diễn biến phức tạp của bệnh LSĐ, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã phối hợp với các huyện, thành phố tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân các biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ và quản lý rầy môi giới truyền bệnh. Trong đó, chú trọng đến các biện pháp xử lý đất, hạt giống, trừ rầy môi giới, bảo vệ mạ…

Đến nay, có 4/8 huyện, thành phố đã hỗ trợ thuốc trừ rầy môi giới truyền bệnh LSĐ trên mạ và lúa gieo sạ với tổng lượng thuốc là trên 3 nghìn lít. Diện tích đã phun trừ rầy môi giới cho mạ là lúa gieo sạ gần 243 ha. Riêng diện tích phun trừ rầy lứa 5 đến ngày 7/8 là 4.960 ha, tập trung ở các huyện Gia Viễn 900 ha, Yên Mô 2.000 ha, Yên Khánh 1.620 ha, Kim Sơn 380 ha.

Đại diện Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Thời gian tới, Chi cục vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của hệ thống bẫy đèn ở 8/8 huyện, thành phố để theo dõi rầy môi giới. Đồng thời lấy mẫu rầy, mẫu lúa ở các xã, HTX trên địa bàn để gửi đi giám định theo dõi sự lưu hành của virus LSĐ. Tăng cường cán bộ đi cơ sở điều tra, phát hiện, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống bệnh.

Tuy nhiên, thực tế tại một số nơi, vì thiếu nhân lực lao động trong nông nghiệp cộng với tâm lý chủ quan nên nhiều diện tích mạ, lúa mới gieo sạ không được phun trừ rầy, việc thăm đồng, điều tra phát hiện bệnh cũng hạn chế. 

Do vậy, đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh để bà con hiểu, có các biện pháp theo dõi, phát hiện, xử lý ngay khi bệnh xuất hiện, tránh để lây lan ra diện rộng. 

Cụ thể, đối với lúa cấy ở giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, cần hướng dẫn bà con thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và nhổ vùi cây bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe và chăm bón cân đối để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. 

Khoanh vùng để phun thuốc trừ rầy trên diện tích bị bệnh và những ruộng xung quanh bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp như: Penalty 40WP, Sutin 5EC, 50WP, Chess 50WG, Palano 600 WP, Midan 10 WP, Cytoc 250WP…

Đối với lúa gieo sạ, phun thuốc trừ rầy lưng trắng trên toàn bộ diện tích lúa gieo sạ ở giai đoạn 4-5 lá trở đi bằng các loại thuốc trừ rầy nội hấp giống như trên, thời gian phun trừ kết thúc trước 10/8. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, quản lý thuốc BVTV trên địa bàn, không để lưu hành các loại thuốc kém chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

phong-tru-ray-nau-cuoi-vu Phòng trừ rầy nâu cuối… gieo-thang-bien-phap-ky-thuat-ung-dung-thanh-cong-trong-san-xuat-lua Gieo thẳng - Biện pháp…