Bệnh thiếu dinh dưỡng trên tôm sú
Hiện nay, thức ăn công nghiệp quan tâm nhiều đến lợi nhuận tối đa với chi phí tối thiểu, không chú trọng để đảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng vi lượng. Vì vậy, đó là nguyên nhân xuất hiện một số loại bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm.
Bệnh trên Tôm sú thường gặp
Bệnh thiếu vitamin
Theo Rai và Reddy (2004), thức ăn thiếu riboflavin và Vitamin K không ảnh hưởng đến sinh trưởng và sự sống còn của tôm. Chế độ ăn có bổ sung tất cả các vitamin cho thấy sự tăng trưởng tối đa. Thức ăn thiếu Vitamin C là nguyên nhân dẫn đến bệnh chết đen do màu sắc cơ thể chuyển sang màu đen tối và làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng tôm, tăng thời gian biến thái. Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, khả năng chịu sốc kém, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1 - 5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt rất cao 80 - 90%).
Để nuôi tôm sú phòng tránh bệnh chết đen và tăng sức đề kháng của tôm cần bổ sung 2.000 - 3.000 mg (loại acide ascorbic)/kg thức ăn cơ bản, hoặc dùng 157 mg (loại Ascorbyl -2 sulphate)/kg thức ăn và 40 mg (loại Ascorbyl -2 Monophosphate)/kg thức ăn.
Hội chứng thiếu hụt sắc tố (PDS)
Hội chứng thiếu hụt sắc tố (pigment deficiency syndrome) còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như tôm màu nhạt, bệnh tôm xanh hay hội chứng vỏ xanh (McVey, 1993). Theo một số nghiên cứu, PDS được báo cáo là có liên quan với mức thấp của Astaxanthin Carotenoid trong thức ăn của tôm. Astaxanthin (C40H52O4) là một loại Carotenoid màu đỏ, có thể tan trong chất béo. Là một nhóm sắc tố hiện diện trên một số loài tảo, nấm men và thủy sản (tôm, cá hồi), tạo cho cơ, da, trứng có màu vàng cam hay đỏ.
Bổ sung tảo Spirulina sp. với tỷ lệ 30 g/kg trong vào chế độ ăn ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng (Regunathan và Wesley, 2006) cũng cho thấy cải thiện đáng kể tình trạng bệnh và tăng sắc tố đỏ trong cơ thịt tôm cũng như chất lượng trứng (tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở nauplius trên mỗi lần đẻ, tỷ lệ sống sót nauplius) và chất lượng ấu trùng. Hàm lượng Carotenoid trong tảo Spirulina thương mại có thể dao động từ 3,5 đến 5,7 g/kg.
Bệnh mềm vỏ
Nguyên nhân do trong thức ăn dùng nuôi tôm thiếu chất khoáng hoặc thiếu một số vitamin, nhất là Vitamin D để thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất khoáng. Cũng có thể do thức ăn kém chất lượng, ôi thiu hoặc cho ăn thiếu. Tôm bệnh mềm vỏ thường có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt, thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị mắc các bệnh bẩn mình bẩn mang.
Các chất dinh dưỡng vi lượng liên quan trực tiếp đến bệnh này là canxi, kali và phốt pho. Bổ sung các loại sản phẩm dinh dưỡng cho tôm như hỗn hợp của Phosphorous hữu cơ, cung cấp đủ các loại vitamin và acid amin thiết yếu, để tăng cường quá trình trao đổi chất và hấp thu dưỡng chất, giúp tôm khỏe mạnh, đề kháng bệnh tật, mau lớn.
Bệnh cong thân
Cũng là một bệnh liên quan đến chế độ dinh dưỡng tôm, bệnh nặng hơn khi tôm sống trong môi trường dễ bị stress. Nguyên nhân chính là do trong khẩu phần ăn hàng ngày thiếu một số chất như Na, Ca và Mg. Khi bị sốc, tôm búng đuôi và cơ thể bị cong mà không duỗi ra được. Tôm bệnh nhẹ lưng bị gù nhưng vẫn có thể bơi lội được. Bệnh nặng, tôm thường nằm nghiêng một bên. Bệnh làm tôm khó lột xác, bơi lội, bắt mồi khó khăn. Một số tôm có thể phục hồi nhưng ít tăng trọng, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh. Ngoài việc bổ sung đầy đủ sinh dưỡng, cần đảm bảo môi trường nuôi tôm luôn được sạch, pH ổn định khoảng 7,5 - 8,5 trong suốt quá trình sinh trưởng. Không nuôi tôm với mật độ quá cao…
Nhiễm độc tố Aflatoxin
Aflatoxin, một loại độc tố được sản xuất bởi loài nấm Aspergillus có thể được tìm thấy trong nhiều loại nguyên liệu sử dụng để chế biến thức ăn như ngô, lạc, gạo, bột cá, tôm, thịt... Tôm nhiễm độc Aflatoxin có biểu hiện chuyển màu đỏ, giai đoạn hấp hối có màu như tôm rang. Bệnh xuất hiện trong bể ấp hay ao nuôi. Theo kết quả của một nghiên cứu cho thấy, khi trộn một lượng khoảng 50 microgam Aflatoxin trên mỗi gram thức ăn tôm sẽ gây hiện tượng teo và hoại tử gan tụy. Tình trạng này dẫn đến tử vong dần dần và thiệt hại đến 98% trong vòng ba tháng. Các biểu hiện bên ngoài bao gồm giảm ăn, tăng trưởng chậm lại đáng kể, tôm yêu đi, bơi lờ đờ. Tôm chết nhanh khi đưa ra khỏi nước. Biện pháp phòng bệnh chính là sử dụng thức ăn tươi, mới được chế tạo. Lưu trữ thức ăn đúng cách trong phòng thoáng mát, tốt nhất là ở khoảng 10 - 200C trở xuống.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ