Mô hình kinh tế Bí Quyết Trồng Đu Đủ

Bí Quyết Trồng Đu Đủ

Ngày đăng 13/02/2011

Anh Nguyễn Văn Minh thôn Song Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây) trồng đu đủ giỏi, cho thu nhập cao. Từ 2 sào đu đủ giống Đài Loan trồng tháng 11 năm ngoái, hiện nay gia đình anh đã thu được 8 triệu đồng, dự kiến thu hết sẽ có khoảng 12 triệu đồng. Tính ra trồng 1 sào đu đủ mỗi năm cho thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng, tương đương 160-180 triệu đồng/ha/năm

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm trồng đu đủ để sản xuất hàng hóa lớn, anh Minh cho hay: Cây đu đủ dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, rất sai quả, dễ bán. Tuy nhiên, đu đủ rất mẫn cảm với 2 loại bệnh khó trị là bệnh khảm xoăn lá do virút và bệnh thối rễ do nấm mà đến hiện nay chưa có cách gì chữa trị.

Vì vậy, biện pháp tích cực nhất là nên trồng bằng các giống đu đủ lai F1 của Đài Loan, Thái Lan, Mỹ... như giống Hồng Phi, giống Trạng Nguyên... vừa cho năng suất cao, thu hoạch ngay trong vòng một năm rồi phá bỏ và chuyển sang trồng nơi đất mới để tránh nguồn bệnh lây lan. Mặt khác, khác với đất vùng đồi, đất các chân ruộng cao, đất ruộng lúa thường thấp, mực nước ngầm cao, độ ẩm đất thường lớn, do đó cần lên liếp cao hoặc đắp các mô, ụ đất cao để trồng, nhằm hạn chế bệnh thối rễ làm chết hàng loạt cây.

Trên những kinh nghiệm đó hàng năm anh Minh chỉ trồng khoảng 2 sào trên nền đất ruộng đã được đắp mô cao. Thu hoạch xong anh lại phá bỏ trồng lại cây trồng khác để cải tạo và chuyển trồng đu đủ sang ruộng khác nên vườn đu đủ nhà anh hầu như ít bị sâu bệnh gây hại.

Mỗi sào anh trồng từ 70-80 cây với khoảng cách: Cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2m, được đắp mô cao 40-50cm, đường kính mô khoảng 1m. Khâu bón lót đối với đu đủ là rất quan trọng, anh thường dùng phân chuồng hoai mục, phân rác, phân vi sinh và phân lân để bón lót trước khi trồng.

Đu đủ đòi hỏi thâm canh cao, ít phân bón hay bị hạn là giảm sản lượng ngay, do đó cần tăng cường bón thúc và tưới nước, nhất là sau các đợt thu quả rộ. Cây giống được gieo ươm trong bầu vừa chủ động được thời vụ, vừa chọn lựa được những cây giống tốt, khỏe mạnh.

Về thời vụ thì tùy theo thị hiếu người tiêu dùng, khả năng thị trường mà bố trí trồng cho phù hợp. Chỉ 4-6 tháng sau khi gieo hạt là cây ra hoa, kết trái; 3-4 tháng nữa là cho thu hoạch và cho thu hoạch liên tục hầu như quanh năm.

Đu đủ có thể trồng được nhiều thời vụ: Trồng tháng 9-10 để thu quả từ tháng 5, thu rộ nhất tháng 7-8-9. Trồng tháng 3-4 để thu quả từ tháng 10-11, đặc biệt là để bán Tết được giá cao. Khi thu hái cần chú ý thu đúng độ già nhất định vừa cho sản lượng cao, vừa có điều kiện tuyển trái.

**** Muốn đu đủ sai quả, lâu cỗi ****

Những người làm vườn giầu kinh nghiệm thường trồng đu đủ nơi mầu mỡ, cao ráo, cách mực nước ngầm thường xuyên từ 1,5m trở lên giúp rễ hoạt động thuận lợi.

Lựa chọn đu đủ cái ngay từ khi quả chín tự nhiên, chỉ lấy những hạt đen tuyền, chìm sâu tận đáy, loại những hạt lép, nổi sẽ đảm bảo cây cái vượt trội so với cây đực, những hạt cho cây đực còn lẫn sẽ cho cây đực khỏe, giao phấn tốt hoặc có thể điều khiển thành cây cái, cây lưỡng tính bằng cách cấn ngọn rễ cọc (hớt 1 phần 2 – 3cm thúc rễ chùm phát triển).

Loại ngay những cây giống khẳng khiu, thân thẳng tắp, èo uột, lá ít xẻ thùy. Chỉ đào đánh tạo bầu hoặc nhổ cây sau khi làm ẩm đất để "hưởng cái" nếu phát hiện cây đực (bằng cấn ngọn rễ cọc như trên). Sau đó nhúng bầu đất hoặc rễ vào tro bếp hoai hả (tro xó bếp) để "hồ" kích rễ "ăn ra" (tuyệt đối không được nhúng vào bùn tươi hoặc phân hóa học sẽ gây thâm rễ thối mầm).

Ra ngôi (trồng định vị) đu đủ cách gốc tối thiểu 3m để trưởng thành vừa khép tán, tránh "cây chạm lá" làm giảm năng suất và phẩm chất. Hố cần đào trước từ 10 – 15 ngày giúp đất hả, nỏ nâng cao điện ly giữa các hạt đất, sau khi ngấm nước trở lại sẽ giải phóng nhanh và nhiều khoáng dễ tiêu nuôi cây chóng "bốc".

"Nhử" rễ ăn ra bằng đất mầu tơi xốp (bùn khô hoặc sa bồi nỏ đập vụn trộn với phân hữu cơ hoai hả theo tỷ lệ 40% còn 10% là xỉ than đá nghiền thành bột và 10% là NPK vi sinh (nơi đất nghèo mầu).

Những cây cao quá 2m cần được chặt ngọn, trộn hỗn hợp phân trên làm ướt bao kín ngọn bằng nilon (tốt hơn quấn bùn rơm úp nồi đất như kinh nghiệm cổ truyền) ắt sẽ phân nhiều nhánh lộc mới ra quả ngay. Chọn tối đa 3 nhánh lệch xa nhau để nuôi, đu đủ "hồi xuân" lại tiếp tục cho năng suất vượt trội.

Trong mùa mưa bão cần tôn cao bóng tán để "nhử" rễ ăn lên, ấp đất cứng vào gốc. Nếu bị xiêu đổ cần dựng lại ngay thì rễ tái sinh nhanh, chắc gốc bền cây, liên tiếp cho bội thu.


Có thể bạn quan tâm

trong-man-an-phuoc Trồng Mận An Phước cay-tao-trong-hieu-qua-tren-dat-con-thanh-long Táo – Cây Trồng Hiệu…