Tin thủy sản Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản

Tác giả Trung Nguyên, ngày đăng 21/12/2017

Ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, mùa mưa ngày càng đến trễ hơn, lượng mưa giảm trong khi mùa nóng ngày càng nóng hơn, độ mặn gia tăng ngày càng cao đã ảnh hưởng đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản – sinh kế chính của một phần lớn các hộ nông dân tại đây.

Ngành nuôi trồng thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu

Vấn đề này đã được đề cập trong nghiên cứu khoa học “Tác động của BĐKH đến hoạt động trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL”. Nghiên cứu do trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại 1 huyện điển hình” (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Giảm năng suất và chất lượng vật nuôi

Những năm qua, xâm nhập mặn tăng cao đã thu hẹp đáng kể diện tích nuôi trồng thủy sản hoạt động nuôi trồng thủy sản và tác động đến hầu như toàn bộ vùng quy hoạch tôm nước lợ. Những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Bến Tran, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển. Đến cuối năm 2015, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 3.771 ha, riêng Cà Mau chiếm khoảng 72% (2.700ha), kế đến là Trà Vinh, bến Tre. Một số địa phương có nhiều mô hình được đánh giá là bền vững như tôm – lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến cũng bị thiệt hại nặng.

Thiệt hại về nuôi trồng dẫn đến ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản điêu đứng theo. Minh chứng từ trường hợp của Cà Mau, Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2016, có tới 17/33 nhà máy thiếu nguyên liệu, thường xuyên chỉ đạt 37 – 38% công suất chế biến. Quý 1/2016, Việt Nam đã phải chi 228 triệu USD nhập nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản.

Về nguyên nhân suy giảm năng suất và chất lượng nuôi trồng, BĐKH đã làm thay đổi thời vụ canh tác và cơ cấu nuôi trồng của người dân. Thời tiết nắng nóng, mực nước đầm tôm nuôi thấp, môi trường không ổn định kết hợp với độ mặn cao đã làm cho tôm bị sốc và chết. Do vậy, người dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã anjc hế thả tôm hoặc thả tôm giống không đúng lịch thời vụ, dẫn đến diện tích nuôi giảm còn một nửa so với kế hoạch.

Theo một kết quả khảo sát trên các hộ nuôi tôm nước lợ và các hộ nuôi tôm nước ngọt ở ĐBSCL, xu hướng hiện nay là phát triển các giống các nước mặn, nước lợ, nuôi tôm và giảm vùng nuôi trồng các nước ngọt do thay đổi đặc tính, cấu trúc nguồn nước. Cũng qua khảo sát, hiện tượng mưa lớn, nhiệt độ cao, độmặn gia tăng cũng làm thay đỏi cấu trúc hệ sinh thái thủy sinh làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm nuôi ven biển, thậm chí gây ra các dịch bệnh trên các giống nuôi trồng, ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của nhiều hộ nông dân trong vùng.

Cần thay đổi mô hình sản xuất

Các nhà khoa học đã đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm tăng cường thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL. Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ động áp dụng các mô hình sản xuất mới thích ứng BĐKH. Bên cạnh đó, cần sớm huy động các nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cho tăng cường cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu, ven biển. Trong đó, ưu tiên các dự án phục hồi phát triển rừng ven biển, quản lý tài nguyên nước, xây dựng và cải tạo đê biển gắn với hệ thống giao thông ven biển, rừng phòng hộ ven biển.

Các lồng bè nuôi trồng thủy sản 

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các trung tâm/viện nghiên cứu, cơ quan khuyến nông, doanh nghiệp… sớm có nghiên cứu, chuyển giao các giống vật nuôi có tính thích ứng tốt và năng suất cao.

Về dài hạn, nhu cầu cấp thiết là tăng cường liên kết vùng để ứng phó BĐKH, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thống nhất các kế hoạch, phương án hiệu quả cho toàn vùng. Trong chiến lược phát triển dài hạn của vùng và địa phương cần lưu ý tới các vấn đề: phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển chiều sâu…

Chính phủ và chính quyền địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng chịu ảnh hưởng BĐKH để nâng cao năng lực thích ứng cộng đồng; đặc biệt tập trung vào chính sách về vay vốn, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo… Quy hoạch của địa phương phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch hệ thống hạ tầng phải tính đến dài hạn và yếu tốt liên vùng, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.


Có thể bạn quan tâm

htx-tan-hung-thanh-cong-tu-doi-moi-phuong-thuc-san-xuat HTX Tân Hưng: Thành công… tom-sinh-thai-nang-cao-vi-the-tom-viet Tôm sinh thái nâng cao…