Tin thủy sản Biện pháp phòng, chống bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi

Biện pháp phòng, chống bệnh đốm trắng do vi rút ở tôm nuôi

Tác giả Hà Kiều, ngày đăng 22/09/2016

Bệnh thường xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào thời điểm giao mùa (cuối mùa xuân - đầu hè, và cuối mùa thu - đầu đông, mùa mưa - mùa khô), khi thời tiết có nhiều biến động (nhiệt độ nước dưới 26 °C), môi trường không thuận lợi cho tôm, sức đề kháng giảm.

Tôm bị bệnh ở mọi giai đoạn, nhưng mẫn cảm nhất ở giai đoạn 40 - 45 và 60 - 65 ngày sau khi thả. Bệnh có khả năng gây chết đến 90% trong vòng 3 - 7 ngày. Các loài tôm cảm nhiễm bệnh bao gồm: Tôm sú (Penaeus monodon), tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei), tôm nương (P.chinensis), tôm he Nhật bản (P.japonicus), tôm bạc (P.merguiensis), tôm thẻ(P.semisulcatus), tôm rảo (Metapenaeus ensis). Vật mang mầm bệnh là một số loài giáp xác 10 chân (decapoda), giun nhiều tơ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, mực.

Bệnh đốm trắng do vi rút thường truyền từ tôm bệnh, vật chủ trung gian, thức ăn tươi sống nhiễm vi rút,…. sang tôm khỏe mạnh hoặc truyền từ tôm bố mẹ sang tôm con. Khi mắc bệnh, tôm yếu bỏ ăn, bơi lờ đờ, táp mé (bơi dạt bờ), đỏ thân” thành “tôm ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, yếu, bơi lờ đờ, tấp mé (bơi dạt bờ), đỏ thân rồi chết. Tôm bị bệnh có các dấu hiệu điển hình như: dưới vỏ vùng giáp đầu ngực, vỏ thân, đuôi có nhiều đốm trắng, đường kính 0,5 - 2mm. Các đốm trắng nằm bên trong vỏ nên khi cọ rửa, chà xát hoặc xử lý nhiệt không bị mất đi. Bệnh tích vi thể: Các tế bào mang, biểu bì ruột, dạ dày, tế bào biểu bì dưới vỏ, cơ quan lympho có nhân sưng to và bị huỷ hoại.

Hiện nay, để phòng bệnh đốm trắng do vi rút trên tôm nuôi, người nuôi cần có hệ thống sổ theo dõi sức khỏe tôm, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong quá trình sản xuất. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là: tôm bố, mẹ phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm trong Danh mục các bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch. Sử dụng con giống đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lần tham gia sinh sản theo quy định. Dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo hộ lao động và người vào trại phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không dùng chung dụng cụ giữa các hồ/bể. Dụng cụ chứa tôm và dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất cần được vệ sinh, khử trùng kỹ trước và sau khi dùng.

Bên cạnh đó, người làm việc trong khu vực sản xuất giống phải có bảo hộ, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khi ra, vào cơ sở. Sử dụng nguồn thức ăn có chất lượng tốt, không mang mầm bệnh; các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến phải được bảo quản tốt, không bị nhiễm nấm mốc và nhiễm khuẩn; thức ăn tươi sống phải được xử lý đảm bảo không còn mầm bệnh trước khi cho ăn. Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được phép sử dụng hoặc có thể sử dụng phương pháp sinh học khác để tiêu diệt hoặc kìm hãm tác nhân gây bệnh.

Về việc lấy mẫu xét nghiệm, đối với cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh cần định kỳ 1 lần/2 tháng/cơ sở lấy mẫu nước, tôm bố mẹ, tôm post để xét nghiệm xác định mầm bệnh. Đối với cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm khi có nghi ngờ.

Về xử lý dịch bệnh, chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, chết nhiều hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, bất thường phải báo cáo nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và UBND cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản nơi gần nhất. Bên cạnh đó, tiến hành tiêu hủy tôm bố, mẹ, ấu trùng và hậu ấu bị bệnh có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thú y thủy sản. Ngoài ra, người nuôi cũng cần xử lý môi trường nước, bể, dụng cụ khu vực sản xuất giống... bằng các loại hóa chất có trong Danh mục thuốc thú y, hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

lam-gi-de-nuoi-hai-san-lam-muoi-an-toan-o-4-tinh-mien-trung Làm gì để nuôi hải… tom-su-tom-cang-dau-hang-tom-the Tôm sú, tôm càng đầu…