Cà Mau: Dốc sức giữ mô hình “con tôm ôm gốc lúa”
Sản xuất tôm - lúa ở Cà Mau được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong tương lai bắt buộc phải giảm diện tích do xâm nhập mặn.
Năng suất lúa khoảng 3-4 tấn/ha, tôm khoảng 300-400kg/ha. Đặc biệt, thu nhập của mô hình được cộng thêm một phần rất cao từ các loài thủy sản khác được nuôi ghép. Trong ảnh: Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm trong mô hình (Ảnh: T.A)
Hiệu quả kép
Năm 2009, tỉnh Cà Mau triển khai đề án Nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009 - 2012 và định hướng đến năm 2015. Qua gần 3 năm thực hiện, đề án đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ cho nền sản xuất ở Cà Mau. Cũng từ đây, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển từ diện tích sản xuất kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, cho thu nhập cao hơn.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, kế hoạch diện tích sản xuất tôm - lúa toàn tỉnh năm nay khoảng 48.000ha, trong đó nhiều nhất là ở huyện Thới Bình và một số địa phương như huyện U Minh, Trần Văn Thời và TP.Cà Mau.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, thời gian trước ở những vùng này, sản xuất lúa vô cùng khó khăn do bị nhiễm mặn, lúa mùa và lúa 2 vụ không hiệu quả, năng suất thấp, nên thu nhập của người dân rất hạn chế. Khi chuyển sang làm tôm - lúa, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, cao hơn gấp đôi so với trước đây, trung bình khoảng 60-70 triệu đồng/ha.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cẩn (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình), cho hay: Vài năm trước, gia đình tôi chuyển 45 công (khoảng 1.300m2) đất sản xuất kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa. Chỉ trong vụ tôm đầu tiên, gia đình tôi đã thu về hơn 40 triệu đồng. Nhiều nông dân trong huyện đã thành công với mô hình này nên tôi rất yên tâm. Qua sản xuất, tôi cho rằng khi nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và mùa vụ thì sẽ thắng lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, nhận định: Tôm - lúa được xem là mô hình thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Con tôm nuôi trong ruộng lúa tăng trọng nhanh nhờ nguồn thức ăn dồi dào, lại hạn chế bệnh tật. Còn cây lúa trồng sau vụ nuôi tôm cũng rất hiệu quả bởi đất được bổ sung độ phì nhiêu.
Cố gắng giữ diện tích tôm - lúa
Với tính ưu việt của mô hình, đây là hướng phát triển bền vững cho nhiều nông dân tại Cà Mau. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang “đe dọa” sản xuất của nông dân.
Xâm nhập mặn đang "đe dọa" sản xuất của nông dân (Ảnh: T.A)
Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, thông tin: Vùng Nam Cà Mau cách đây khoảng 10 năm có diện tích tôm - lúa rất nhiều, nhưng sau này do xâm nhập mặn ngày càng sâu, không phù hợp cho sản xuất vụ lúa, nên diện tích này chuyển sang chuyên sản xuất tôm. Chính vì vậy hiện đa phần diện tích tôm - lúa tập trung nhiều ở vùng Bắc Cà Mau, nơi chưa chịu nhiều ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Cũng theo ông Bằng, độ mặn ngày càng tăng cao và nhiễm sâu vào đất. Nếu xử sự không khéo thì sản xuất vụ lúa trong mô hình tôm - lúa sẽ không hiệu quả và sẽ phải chuyển hẳn sang nuôi tôm. Chính vì vậy, tỉnh đang rà soát lại các vùng sản xuất tôm - lúa, kể cả vùng sản xuất lúa kém hiệu quả chưa chuyển đổi, để có quy hoạch phù hợp. Vùng sản xuất chuyên lúa và tôm - lúa sẽ được tách riêng ra, quy hoạch hệ thống thủy lợi riêng biệt, phù hợp cho từng mô hình.
Hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng là vấn đề ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau rất lo lắng (Ảnh: T.A)
“Theo thời gian đất sẽ bị mặn thấm dần và diện tích lúa phải giảm, xu hướng chuyển dần từ sản xuất tôm - lúa sang chuyên tôm là quy luật. Tuy nhiên, mình vẫn cố gắng làm tốt các điều kiện để duy trì mô hình được càng lâu càng tốt. Vì ở mô hình này, cả sản phẩm lúa và tôm đều có chất lượng cao, ngoài ra còn có lợi cho môi trường. Quy hoạch của tỉnh là rất rõ ràng, đến năm 2020 diện tích tôm lúa khoảng 40.000ha, đến năm 2030 là khoảng 30.000ha” - ông Bằng thông tin thêm.
Nói về điều kiện thủy lợi, ông Bằng cho rằng: Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm - lúa của người dân là vấn đề ngành nông nghiệp rất lo lắng. Hiện tại nhu cầu của toàn tỉnh là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng còn rất thấp, cho nên các địa phương cùng với ngành nông nghiệp tỉnh phải rà soát, chọn ra khu nào bức xúc nhất thì đầu tư trước. Và những nơi đã đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín được thì rất hiệu quả.
Để mô hình tôm - lúa đem lại hiệu quả cao, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân cần sản xuất đúng quy hoạch. Và khi đã sản xuất tôm - lúa thì phải chấp hành đúng lịch mùa vụ. Ngoài ra, việc cải tạo đồng ruộng rất quan trọng và nông dân cần làm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ