Tin thủy sản Cà Mau liên kết, tổ chức lại sản xuất cho nghề nuôi tôm

Cà Mau liên kết, tổ chức lại sản xuất cho nghề nuôi tôm

Tác giả NGUYỄN VĂN THƯỚC, ngày đăng 30/06/2016

Từ nhiều năm qua, nông dân Cà Mau đã chọn nuôi tôm và các loài thủy sản mặn - lợ. Nhưng nghề nuôi thủy sản ở tỉnh được tiến hành trong điều kiện nguồn nước thường bị ô nhiễm nhiều thứ, do cơ sở chế biến, dân cư xả thải và nông dân nhận thức kém, sên vét đổ trực tiếp chất bùn thải ra sông rạch, khiến dịch bệnh tồn lưu, lan truyền.

Do hầu hết nông dân còn hạn chế về trình độ quản lý, kỹ thuật nuôi - trồng; chất lượng con giống kém, chưa được kiểm soát tốt; giá cả vật tư, sản phẩm lại không ổn định, chuyện phải tập hợp, liên kết nhau tổ chức lại sản xuất để sớm hình thành các vùng nuôi an toàn dịch bệnh là yếu tố sống còn.

Điều này nhằm đảm bảo cho các vụ tôm nuôi thành công, nông dân có tích lũy cho kinh tế hộ phát triển bền vững, để tham gia xây dựng nông thôn mới.

Khi nông dân được tập hợp có tổ chức và biết liên kết nhau trong sản xuất thì sẽ có thể hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật dưới sự trợ giúp, gắn kết của ngân hàng, nhà khoa học, các cán bộ kỹ thuật. Bà con sẽ cùng quản lý tốt nguồn nước để dùng chung, có ý thức bảo vệ môi trường đất - nước vùng nuôi tốt hơn, sẽ không còn cảnh mạnh ai nấy bơm bùn, tôm bệnh, nước bẩn ra sông rạch gần như tự do như hiện nay. Khi đó, môi trường nước nuôi chắc chắn sẽ được cải thiện.

Có khả năng thống nhất được mùa vụ nuôi theo lịch thời vụ chung hay theo đặc điểm riêng của từng tiểu vùng do những yếu tố đặc thù về đất đai, nguồn nước, đầu mối cung cấp con giống, nhu cầu đặt hàng của thị trường, kỹ thuật nuôi của nông dân… để vươn tới phân công trong sản xuất. Từ đó sẽ có điều kiện hướng sản phẩm đến các tiêu chuẩn kỹ thuật: Tôm sạch, tôm sinh thái, tôm VietGAP… để đạt các tiêu chuẩn xuất vào các thị trường khó tính, làm tăng lợi nhuận.

Về giống, vật tư, biết tập hợp, tổ chức liên kết tốt sẽ nắm được thông tin kịp thời, góp phần loại trừ các nguồn tôm giống nhiễm bệnh, loại trừ kháng sinh và các loại hóa chất cấm trong nuôi thủy sản, nhằm đảm bảo cho sản phẩm sạch, đạt yêu cầu của nhà máy chế biến xuất khẩu và các nhà nhập khẩu khó tính.

Được liên kết lại, nâng cao kỹ thuật nuôi, nông dân sẽ có nguồn hàng lớn để trực tiếp liên kết với nhà máy chế biến, bán cho đầu mối thu mua lớn, có uy tín hay có điều kiện mặc cả về giá để không bị thương lái ép giá như kiểu làm ăn nhỏ lẻ trước nay.

Thời gian gần đây các biểu hiện thời tiết, thủy văn cực đoan: Mưa bão, triều cường, xâm nhập mặn, nắng nóng khô hạn… diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán. Cà Mau là vùng bán đảo với nhiều yếu tố đặc thù khó giữ ngọt để làm lúa và các cây con theo hệ sinh thái ngọt. Vậy thì chuyện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tận dụng nguồn nước mặn từ biển để nuôi tôm hay canh tác lúa - tôm là rất phù hợp, nhưng cần phải có sự liên kết, tổ chức lại sản xuất tốt để đạt kết quả và mang lại hiệu quả các mặt cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-vung-kenh-dong-chua-man-ma-nuoi-ca-tom Nông dân vùng kênh Đông… nong-dan-vung-kenh-dong-chua-man-ma-nuoi-ca-tom Nông dân vùng kênh Đông…