Cá tra giá rẻ và góc nhìn ‘nội trị’
Các tổ chức quốc tế từng hỗ trợ ngành hàng cá tra cho rằng cái nhìn nội trị tiếp tục chi phối các giải pháp được xem là khả thi nhưng vận hành trầy trật là: kiểm soát nguồn gốc và chất lượng giống cá nuôi; tổng sản lượng nuôi, kiểm soát quota tổng, quota địa phương, từng trại…
Điều quan trọng và cần làm nhất bây giờ là xây dựng lại hình ảnh con cá tra Việt Nam, vì lâu nay hàng ra nước ngoài nhưng người tiêu dùng ít biết tới, ngay khi bán ào ạt sang Trung Quốc. Ảnh: H.L
Trong khi các chuyên gia trong nước cho rằng “tử huyệt” của ngành hàng cá tra là: thiếu cơ chế kiểm soát sản lượng; chất lượng cá giống suy giảm nghiêm trọng; cạnh tranh nội bộ về giá, thiếu minh bạch chất lượng; bán chủ yếu qua thương lái trung gian; không có thương hiệu quốc gia cho ngành hàng; sự đơn điệu của sản phẩm giá thấp.
Tử huyệt của ngành hàng
Mới đây, nhiều ý kiến đề xuất xây dựng đầu mối dịch vụ xuất khẩu cá tra chuyên nghiệp, chẳng hạn thực hiện thí điểm trung tâm Phân phối cá tra Việt Nam tại EU rút kinh nghiệm mở rộng sang thị trường khác, nhưng cách của người Việt là cái nhìn “vạn sự khởi đầu nan”…
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), nói: chúng ta có hơn 100 nhà máy chế biến philê đông lạnh cá tra. Tất cả các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm cả GMP, SSOP, HACCP. Phần lớn các nhà máy được cấp code để xuất khẩu sang EU, tổng công suất thiết kế trên 2,4 triệu tấn nguyên liệu, nhưng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng chỉ đạt dưới 1%, thấp nhất trong các nhóm sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam.
Hệ thống các nhà máy chế biến phụ phẩm công nghệ cũ; hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy chế biến quá tải kèm theo khó khăn về thị trường, sản xuất, nguồn nước, môi trường, con giống đang là thách thức cho ngành cá tra.
Ông Nguyễn Phương Lam, phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nhìn thấy cái khó của doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long chính là công tác xúc tiến đầu tư vẫn loay hoay theo kinh nghiệm chủ quan, thông tin thị trường chưa rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin yếu; nguồn nhân lực và điều kiện sống còn yếu và thiếu; chi phí sản xuất cao…
TS Nguyễn Hữu Dũng nói rằng giải pháp hỗ trợ riêng lẻ từng doanh nghiệp không hiệu quả, một khi những vấn đề vướng mắc chung của cộng đồng chưa được giải quyết.
Hàng rào tiêu chuẩn
Trong khi người tiêu dùng nước ngoài sẵn sàng trả mức giá cao hơn từ 3 – 5 USD/kg, các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam muốn “xô cửa” tràn vào thị trường mới, chứ không chăm chút hoạt động bán hàng. Ông Jean-Charles Diener, giám đốc công ty TNHH Ofco Sourcing Việt Nam, nhà nhập khẩu và phân phối cá tra tại châu Âu 15 năm nay, nhận xét.
Ông Diener cảnh báo tại hội thảo “Tiếp cận thị trường mục tiêu và rà soát kế hoạch phát triển xuất khẩu cho ngành cá tra Việt Nam” do cục Xúc tiến thương mại (bộ Công thương) tổ chức ngày 27/7/2017 tại TP Cần Thơ: “Chiến lược bán hàng kiểu phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã làm hình ảnh cá tra ngày càng đi xuống. Giá thấp thực sự không phải là tốt như nhiều nhà cung cấp vẫn nghĩ”.
Điều quan trọng và cần làm nhất bây giờ là xây dựng lại hình ảnh con cá tra Việt Nam, vì lâu nay hàng ra nước ngoài nhưng người tiêu dùng ít biết tới, ngay khi bán ào ạt sang Trung Quốc.
Không ít doanh nghiệp hiểu được bản chất của các “hàng rào” tiêu chuẩn, nhưng lại rơi vào tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận. Sản phẩm làm ra phải đạt chứng nhận này, kia, trong khi nhà nhập khẩu chỉ cần một bộ tiêu chuẩn hợp quy của nước nhập khẩu, ông Diener, cho rằng để khôi phục hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới cần: xác định chiến lược cụ thể cho từng nhà xuất khẩu; đặt mục tiêu tới một số quốc gia và thị trường; phân tích lợi, hại từ góc nhìn quốc gia và thị trường; hiểu sản phẩm xuất khẩu cá da trơn và cách chăm chút thị trường; phát triển thương hiệu.
“Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội, còn hiệp hội liên kết giữa Chính phủ và các tổ chức kinh doanh. Nếu không có sự hợp tác tốt hơn giữa các nhà chế biến với nhau và với hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) ngay tại Việt Nam, thì tình hình sẽ không thể cải thiện”, ông Jean-Charles Diener nhiều lần khuyên các nhà chế biến Việt Nam nên tính toán lại chiến lược, nhất là việc chăm chút bán hàng.
Trong khi thế giới lại nhìn sản phẩm đúng chuẩn mực khi tham gia thị trường là chuyện đương nhiên, và hình ảnh doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị, môi trường, trách nhiệm xã hội… thì doanh nghiệp trong nước vẫn còn loay hoay với tiêu chuẩn con giống, cũng chưa xong!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ