Tin thủy sản Cá trên sông Sa Lung chết do thiếu oxy

Cá trên sông Sa Lung chết do thiếu oxy

Tác giả Q.H, ngày đăng 22/09/2016

Cá chết được người dân thu gom, tránh làm ô nhiễm môi trường kéo dài

Qua kết quả kiểm tra hiện trường và phân tích chất lượng nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo cụ thể. Theo đó, trong quãng thời gian đập Sa Lung tích nước, dòng chảy bị gián đoạn, gây ra hiện tượng lắng đọng chất hữu cơ vào lớp trầm tích. Khi đập được xả, lượng nước đổ về lớn (khoảng 7,1 triệu m3 trong 3 ngày từ 6 - 9/9/2016). Do lòng sông hẹp nên nước chảy rất mạnh, làm xáo trộn lớp trầm tích tích tụ dưới đáy sông. Chính điều này khiến hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm mạnh, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Một nguyên nhân khác là khi đập Sa Lung xả nước, nước sông chảy mạnh, cá nước ngọt sống ở thượng nguồn bị cuốn xuống vùng hạ lưu, gặp nước mặn nên không thích ứng được. Cùng với đó, cá nước mặn và nước lợ cũng bị sốc, rồi chết do tiếp xúc đột ngột với nước ngọt.

Về nghi vấn cá chết do chất thải công nghiệp mà một số người dân đặt ra, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hiện nay trên lưu vực sông Sa Lung có 3 nhà máy chế biến mủ cao su và 1 nhà máy giấy có phát sinh nước thải. Tuy nhiên, các nhà máy này đều đã đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông Sa Lung.

Để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra trong những năm về sau, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đưa ra giải pháp kéo dài thời gian xả nước, giảm lưu lượng xả trong thời gian đầu, tăng dần sau đó để các loại cá dần thích nghi.

Trước đó, như Báo Quảng Trị đã đưa tin, từ 6 - 9/9/2016, sau khi xả đập Sa Lung, hàng loạt cá trên sông có hiện tượng dạt vào bờ, rồi chết. Thực trạng trên khiến người dân địa phương rất hoang mang, lo lắng.


Có thể bạn quan tâm

lam-gi-de-nuoi-hai-san-lam-muoi-an-toan-o-4-tinh-mien-trung Làm gì để nuôi hải… tom-su-tom-cang-dau-hang-tom-the Tôm sú, tôm càng đầu…