Tin thủy sản Các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản nuôi

Các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản nuôi

Tác giả BBT (tổng hợp), ngày đăng 14/02/2019

Ngày 09/01/2013, Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có Công văn số 84/TCTS-NTTS gửi các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành triển khai kế hoạch sản xuất và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản nuôi.

Thả bèo chống rét cho động vật thủy sản (Ảnh minh họa)

Theo đó, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các đơn vị hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau để phòng chống rét cho động vật thủy sản:

- Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 – 2,0m để lấy nhiệt từ lòng đất, giúp giữ ấm nước ao và làm giảm sự biến đổi đột ngột nhiệt độ môi trường nước.

- Đào một số hố sâu trong ao từ 2,5 – 3,0m, chiều rộng 2,0 – 3,0m để cá trú đông (đây là cách làm có hiệu quả nhất hiện nay đã được áp dụng nhiều nơi giữ cá qua đông, nhiệt độ không khí xuống dưới 10 độ C vẫn không xảy ra hiện tượng cá chết rét).

- Làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nilon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời, bổ sung nhiệt cho ao.

- Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao sẽ ảnh hưởng đến thủy sản nuôi).

- Thả sọt tránh rét cho cá ở góc phía Bắc của ao, sử dụng các sợi sọt đan bằng tre nứa, đưa vào sọt các búi rơm tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét.

- Cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng loại thức ăn có chất lượng cao, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao xuống thấp hơn hoặc bằng 12 độ C thì ngừng cho ăn, vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến để thủy sản nuôi có đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

- Hàng ngày theo dõi chất lượng nước, không đưa phân hữu cơ, vô cơ xuống ao giữ cho nước sạch để phòng tránh dịch bệnh. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường tìm nguyên nhân để kịp thời xử lý

Lưu ý:

- Việc kéo lưới kiểm tra cá là nguyên chủ yếu dẫn đến các loại bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét do nấm, do trùng quả dưa…và ký sinh trùng gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở cá rô phi, cá trôi Ấn Độ và cá trắm cỏ. Do đó, trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kiểm tra cá, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây sát cho cá.

- Đối với các cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm, gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét cần tổ chức thu hoạch sớm để không xảy ra hiện tượng thủy sản bị chết rét.

Theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản, Trong trường hợp rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại cho thủy sản nuôi, các Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ cho người nuôi bị thiệt hại theo nội dung Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.


Có thể bạn quan tâm

loi-giai-bai-toan-tiet-kiem-dien-nuoi-tom Lời giải bài toán tiết… hieu-qua-nuoi-ca-ro-phi-vietgap Hiệu quả nuôi cá rô…