Trồng lúa Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 3

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 31/01/2018

CÔN TRÙNG HẠI LÚA (Insects)

1/ Nhóm côn trùng phá hại lúa ở giai đoạn thành trùng

1.7 Bọ xít đen (Rice black bug: Scotinophora lurida) (Hình 8.9) 

Bọ xít đen thường sống ở phần bẹ và gốc lúa. Thành trùng bọ xít đen chích hút nhựa cây lúa làm cây lúa suy yếu dần, lá và bẹ lá khô héo, rồi chết. Lá non có thể bị cuốn tròn dọc theo gân lá. Bọ xít đen ưa khí hậu ẩm thấp nên không hoạt động lúc khí hậu khô, lạnh hay quá nóng. Trứng thường được xếp thành 2-4 hàng dọc trên phiến lá hay bẹ lá và cả trên cỏ nữa. Trứng mới đẻ có màu lợt, biến thành màu cam đậm khi gần nở, thời gian từ lúc đẻ đến khi trứng nở khoảng 6 ngày. Bọ con mới nở ở quanh quẩn gần ổ trứng, dần dần tiến về phía gốc cây lúa. Cách phòng trị cũng tương tự như đối với rầy nâu.

Hình 8.9. Bọ xít đen

1.8. Bù lạch (Thrips: Baliothrips biformis) (Hình 8.10) 

Bù lạch là một loại côn trùng rất nhỏ, màu đen chỉ to bằng sợi chỉ, dài khoảng 1,5 mm. Chúng sống thành đàn, thường xuyên xuất hiện trên mạ hoặc lúa mới sạ hoặc cấy từ 1 tháng tuối trở lại. Bù lạch có thể phát triển thành dịch khi ruộng khô do hạn hán kéo dài nên thường lầm với lúa bị phèn. 

Triệu chứng ban đầu là chóp lá xanh bị cuốn lại như héo, ngay cả lúa sáng sớm, có nhiều con bù lạch tập trung trong những chót lá bị cuốn này để cắn phá làm chót lá vàng và khô héo đi. Các loại thuốc trừ sâu thông thường đều có thể trị được bù lạch. Thiệt hại do bù lạch gây ra ít nghiêm trọng nhưng cũng làm cho lúa mất sức rất nhiều. Sau khi xịt thuốc cần bón thêm phân đạm và kali.

Hình 8.10. Bù lạch và cách phá hoại

1.9. Dế nhũi (Mole cricket: Grylotalpa africana) (Hình 8.11) 

Dế nhũi thường chỉ phá hại trên ruộng khô, nương mạ khô, dọc theo bờ ruộng hoặc ruộng lúa rẩy. Dế nhũi cắn rễ non và phần non ở gốc lúa phía dưới mặt đất, làm cây lúa bị đứt ngang mặt đất từng chồi và cả bụi lúa. Dế nhũi đẻ trứng trong các hang đào bới trong đất ruộng khô hoặc bờ ruộng. Các loại thuốc hạt rất hữu hiệu để trị dế nhũi. Có thể dùng xác dừa trộn với thuốc rãi cho dế ăn hoặc bơm nước ngập và rãi thuốc hạt.

Hình 8.11. Dế nhũi và cách phá hoại


Có thể bạn quan tâm

cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-4 Các thiệt hại trên ruộng… cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-2 Các thiệt hại trên ruộng…