Trồng lúa Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4

Các thiệt hại trên ruộng lúa - Phần 4

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 01/02/2018

CÔN TRÙNG HẠI LÚA (Insects)

2/ Nhóm côn trùng phá hại lúa ở giai đoạn ấu trùng 

2.1 Sâu đục thân (Stemborrer, còn gọi là sâu nách hay sâu ống) 

Có 4 loại sâu đục thân hại lúa: sâu đục thân màu vàng, màu trắng, màu hồng và sọc nâu (Hình 8.12). Nhưng ở ĐBSCL loại sâu quan trọng và phổ biến nhất là loại sâu đục thân màu vàng và sâu đục thân sọc nâu. Cách phá hại của chúng đều giống nhau. 

Hình 8.12. Triệu chứng thiệt hại, trứng, ấu trùng và thành trùng của các loại sâu đục thân

(1) Sâu đục thân màu hồng  

(2) Sâu đục thân sọc nâu đầu nâu

(3) Sâu đục thân màu vàng 

(4) Sâu đục thân sọc nâu đầu đen 

- Sâu đục thân màu vàng (Scirpophaga incertulas): sâu nhỏ màu vàng nhạt. Bướm có cánh màu vàng rơm với 2 chấm đen ở gần cuối cánh rất đặc biệt, nên còn được gọi là sâu đục thân 2 chấm. Bướm cái thường đẻ trứng ở gần chót phiến lá. Ổ trứng hình bầu dục có lông tơ che phủ. Đây là loại sâu đục thân quan trọng nhất ở ĐBSCL vì chúng có mật số cao và kiểu sống đơn lẻ, mỗi con chỉ ở trong một chồi lúa mà thôi, nên qui mô phá hại của chúng lớn hơn so với các loại sâu đục thân khác. 

- Sâu đục thân sọc nâu: gồm 2 loại: sâu đục thân sọc nâu đầu nâu (Chilo suppressalis) và đầu đen (Chilo polychrysus). Thân sâu màu vàng nhạt, có 5 sọc màu nâu chạy dọc từ đầu đến đuôi, đầu có màu nâu hoặc đen. Sâu sọc nâu đầu nâu lớn và dài hơn sâu sọc nâu đầu đen. Ổ trứng hình vảy cá gắn vào phiến lá bởi một chất keo, không có lông che phủ. Khi trứng nở, sâu non chui theo bẹ lá xuống dưới gốc rồi đục vào cắn phá đọt lúa. Chúng thường sống thành nhóm, nhiều con trong một chồi lúa nên gây thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. 

- Sâu đục thân màu hồng (Sesamia inferens): Bướm, ấu trùng và nhộng của sâu đục thân màu hồng có kích thước to nhất trong nhóm sâu đục thân. Tập quán sinh sống của sâu đục thân màu hồng tương tự như sâu đục thân sọc nâu, chúng sống theo bầy đàn, nhiều con trên một chồi lúa.  

Sâu đục thân thường tấn công cây lúa vào giai đoạn nở bụi tích cực gây hiện tượng chết đọt (tâm tuyệt) và giai đoạn lúa trổ gây hiện tường bông bạc làm bông lúa bị lép hoàn toàn, trong khi các lá bên dưới của chồi vẫn còn xanh. Chúng ta có thể rút các đọt chết và bông bạc này ra dễ dàng và có thể bắt gặp con sâu còn trong đó hoặc để lại lỗ đục. Sâu chỉ phá hại ở giai đoạn ấu trùng, giai đoạn nhộng và bướm thì vô hại. Hiện chưa có giống lúa nào kháng mạnh đối với sâu đục thân. Nếu vụ trước bị sâu đục thân, nhộng của nó có thể ẩn trong gốc rạ, cần đốt rơm rạ và cày lật đất sau đó cho nước ngập để giết chúng. Khi phát hiện trong ruộng có triệu chứng thiệt hại do sâu đục thân thì phải dùng các loại thuốc lưu dẫn để phòng trừ. Lúc bấy giờ, các loại thuốc tiếp xúc xịt không có hiệu quả nữa vì sâu nằm trong ống thân không bị trúng thuốc có thể dùng bẩy đèn để bắt bướm trước khi đẻ trứng, vì chúng rất thích ánh sáng. Cũng có thể ngừa sâu đục thân bằng cách xịt thuốc trừ bướm khi chúng chưa kịp đẻ trứng. 

2.2 Sâu cuốn lá, sâu xếp lá

Có 2 loại sâu cuốn lá hiện diện trên ruộng lúa đồng bằng sông Cửu Long: sâu cuốn lá nhỏ và sâu cuốn lá lớn.  

- Sâu cuốn lá nhỏ (Leaf roller: Cnaphalocrosis medinalis) (Hình 8.13A) 

Sâu nhỏ, màu xanh hơi vàng, khi gần hóa nhộng có màu hồng. Bướm nhỏ có cánh màu trắng đục với 3 sọc ngang màu nâu đen. Bướm đẻ trứng rời rạc trên phiến lá. Sâu thường cuốn lá lại ở bên trong ăn phá phần nhu mô, để lại những vệt trắng dài nằm dọc theo chân lá. Khi còn nhỏ sâu chỉ ăn phần nhu mô mà không cuốn lá lại. Cây lúa bị tấn công sẽ cằn cõi, diện tích lá để quang hợp giảm làm tỷ lệ lép cao, bông ít hạt. Sâu thường phá hại nặng ở những nơi rậm rạp thiếu ánh sáng. Có thể dùng bẩy đèn để bắt bướm hoặc xịt thuốc trừ bướm khi thấy xuất hiện nhiều trên ruộng lúa để phòng sâu phá hại. Khi có khoảng 20% số bụi bị tấn công thì nên xịt thuốc trừ ngay với các loại thuốc trừ sâu. 

Một loại sâu hại khác với thành trùng (bướm) có hình dáng tương tự nhưng kích thước to hơn, màu sáng hơn, đó là sâu xếp lá (Leaf folder: Susumia exigua) (Hình 8.13B). Sâu cũng gây hại tương tự như sâu cuốn lá nhỏ và có thể xếp phần trên chót lá lại để ẩn trong đó. Cách phòng trị cũng tương tự như sâu cuốn lá nhỏ. 

- Sâu cuốn lá lớn (Leaf roller: Pelopidas mathias) (Hình 8.14) 

Thành trùng là loại bướm có râu hình chùy cánh xếp thẳng đứng khi đậu, rất nhanh nhẹn và bay theo đường gãy khúc. Ấu trùng (sâu) ăn đứt từ bìa phiến lá vào trong rồi ăn dọc theo gân lá. Nhộng có tơ bám vào lá lúa cuốn lại. 

2.3 Sâu sừng xanh và sâu đo xanh  

- Sâu sừng xanh (Melanitis leda ismene)(Hình 8.15A): Bướm đẻ trứng trên lá, sâu có hai sừng dài. 

- Sâu đo xanh (Naranga aenescens)(Hình 8.15B): Ấu trùng có kích thước và tập quán giống sâu rọm xanh, cách di chuyển giống như sâu đo, uốn cong lưng khi đi. 

Cách thức gây hại và phòng trị cũng giống như đối với sâu cuốn lá lớn.


Có thể bạn quan tâm

cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-5 Các thiệt hại trên ruộng… cac-thiet-hai-tren-ruong-lua-phan-3 Các thiệt hại trên ruộng…