Mô hình kinh tế Cách Nào Để Doanh Nghiệp Trồng Rừng Hiệu Quả?

Cách Nào Để Doanh Nghiệp Trồng Rừng Hiệu Quả?

Ngày đăng 28/06/2013

Nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp, những năm qua tỉnh ta đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến thời điểm này, kết quả doanh nghiệp trồng rừng chưa thực sự khả quan, đó là chưa kể đến không ít dự án trồng rừng còn nằm “trên giấy”...

Tiềm năng có nhưng khó làm

Đó là thực trạng phát triển lâm nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Dù được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp với tổng diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 80% tổng diện tích tự nhiên. Như vậy, trên lý thuyết là việc phát triển rừng rất thuận lợi vì đâu cũng có đất rừng và cũng có thể trồng rừng.

Song là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề phát triển rừng sản xuất cũng vì thế mà hạn chế. Xét trên điều kiện cụ thể đó, mời gọi doanh nghiệp đầu tư trồng rừng được xem là “cứu cánh”, là “đòn bẩy” để phát triển rừng sản xuất, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhưng đến thời điểm này, kết quả doanh nghiệp trồng rừng sản xuất chưa thực sự khả quan như kỳ vọng của chính quyền địa phương và người dân. Trong số 18 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép trồng rừng sản xuất với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay, số doanh nghiệp thực sự đã trồng rừng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể đến quy mô trồng rừng ra sao, chất lượng rừng trồng như thế nào?

Lật từng tập tài liệu liên quan đến phát triển lâm nghiệp, bà Đặng Thị Thu Hiền, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Theo số liệu mà các doanh nghiệp cung cấp cho Sở Nông nghiệp  Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh mới có 8 doanh nghiệp trồng rừng với tổng diện tích 283,8ha. Trong số đó, đơn vị trồng được nhiều nhất là Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc 70ha; Doanh nghiệp Tư nhân Trung Kiên 50ha; Công ty Cổ phần Lâm Biên 43,8ha...

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai trồng rừng của doanh nghiệp vẫn không đảm bảo kế hoạch mà các dự án đã xây dựng. Chưa xét đến diện tích rừng đã trồng có đúng như đơn vị báo cáo và đảm bảo tiêu chí theo quy định để được hỗ trợ theo Quyết định 147 của Chính phủ thì chưa có căn cứ, vì phải đợi kết quả nghiệm thu.

Chính vì vậy, số tiền tỉnh được phân bổ gần 27 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trồng rừng sản xuất và vận chuyển chế biến lâm sản đến nay vẫn chưa thể giải ngân. Còn lại 10 doanh nghiệp dù được cấp phép nhưng vẫn chưa thể trồng rừng ngoài những nguyên nhân do chưa thực hiện và hoàn thiện thủ tục xin thuê đất để trồng rừng, thì vấn đề thống nhất với người dân về cơ chế hưởng lợi chưa rõ ràng, khiến cho người dân chưa có niềm tin để góp đất cùng doanh nghiệp trồng rừng.

Không ít diện tích rừng trồng của Công ty Cổ phần Lâm Biên tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ (huyện Mường Chà) đã bị cháy, bị phá nhổ những năm vừa qua phần lớn là do chưa tìm được sự đồng thuận giữa người dân với doanh nghiệp. Hay việc Công ty Cổ phần Dương Tri Tôn đã đào hố chuẩn bị trồng rừng nhưng vẫn bị người dân giữ đất cũng vì lý do này... Đó chính là thực trạng cho thấy sự liên kết thiếu bền vững, không hài hòa giữa doanh nghiệp trồng rừng và người dân có đất...

Để doanh nghiệp trồng rừng hiệu quả

Là cơ quan được giao quản lý về lâm nghiệp trên địa bàn, nhưng bà Đặng Thị Thu Hiền, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, địa chỉ của nhiều doanh nghiệp ở tận đâu, nên chúng tôi thường xuyên không liên hệ được. Họ cũng chẳng chủ động báo cáo tình hình thực hiện trồng rừng ra sao. Khi cần nắm số liệu thì mình phải liên lạc thế nhưng có khi họ chuyển trụ sở lâu rồi mà chẳng báo nên việc liên hệ cũng khó khăn.

Cũng nói về việc này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Mường Chà chia sẻ: Doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn mình quản lý thực, nhưng bình thường chẳng khi nào thấy báo cáo tình hình. Chỉ khi xảy ra tranh chấp, vướng mắc với người dân thì mới gọi đến phòng xuống tháo gỡ.

Doanh nghiệp trồng rừng chưa thực sự cần dân và cần chính quyền cơ sở. Đó là chưa xét đến năng lực tài chính ra sao, chuyên môn, nghiệp vụ như thế nào. Chu kỳ để rừng sản xuất cho khai thác từ 7 - 8 năm. Mà chỉ cần thiếu 1 trong 3 yếu tố (vốn, đất, nhân lực) thì khó để trồng rừng thành công.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Điện Biên cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Phát triển lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất được xác định là thế mạnh của địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Với tiềm năng, lợi thế như vậy, nhưng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào cho hiệu quả thì cần xem xét. Bởi trong số doanh nghiệp đã được cấp phép trồng rừng thì việc tạo điều kiện, ưu tiên đặc biệt cho doanh nghiệp mạnh, thực sự tâm huyết với lâm nghiệp cũng cần bàn đến.

Với 2 nhà máy chế biến lâm nghiệp hiện có trên địa bàn (Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc và Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên) đã bắt đầu đi vào hoạt động, sẽ kích thích người dân trồng rừng. Và để có vùng nguyên liệu bền vững “nuôi sống” những nhà máy đó thì việc giao đất cho chính những doanh nghiệp đó trồng rừng sẽ là kế sách bền lâu, hiệu quả, thúc đẩy lâm nghiệp phát triển. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có cơ chế thích hợp để cùng với nhân dân địa phương trồng, bảo vệ rừng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng trồng mà không bao giờ trở thành rừng như đã từng diễn ra.


Có thể bạn quan tâm

tao-suc-bat-cho-ho-ngheo-thoat-ngheo Tạo Sức Bật Cho Hộ… nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-dnnn-trong-linh-vuc-nong-nghiep Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt…