Cách nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa đầy sáng tạo
Trồng dừa trên đất lầy ngập mặn
Nửa cuối thập niên 1990, khi phong trào đào đất nuôi tôm sú ở huyện Thạnh Phú phát triển mạnh mẽ, ông Đoàn cũng hăng hái theo phong trào này. Thế nhưng, do độ mặn nước khu vực xã Thới Thạnh quá thấp, không phù hợp với con tôm biển nên buộc ông phải lựa chọn giữa con tôm biển và cây dừa. Và ông chọn cách lên liếp bờ cao để trồng dừa, tận dụng các ao phía dưới để nuôi tôm càng xanh.
“Trước khi chọn cây dừa, tôi cũng lên liếp trồng mía, phía dưới trồng lúa nhưng thăng trầm lắm, bởi được hay mất mùa toàn do độ mặn nước trên sông quyết định! Mà sự biến đổi của thời tiết khó lường hơn, nên tôi thấy chỉ có cây dừa mới khiến mình yên tâm được và tận dụng các ao sâu bên dưới nuôi tôm càng xanh. Ngoài ra, không còn mô hình nào phù hợp hơn với phần đất nửa trong, nửa ngoài đê bao như của nhà tôi được” - ông Đoàn nhớ lại.
Với việc chủ động chọn mô hình này, ông Đoàn thành công với cây dừa vì có năng suất, chất lượng trái rất cao. Tuy nhiên, do giống tôm càng xanh chỉ có thể tìm mua từ ngư dân địa phương đánh bắt về nuôi nên suốt hơn 10 năm trôi qua, ao tôm càng xanh trong vườn dừa vẫn như “nuôi cho có”. Đến năm 2012, khi dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tài trợ, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật tích cực của các chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ, mô hình của ông Đoàn mới thật sự phát huy hiệu quả.
Tỷ lệ 1:3 và sự sáng tạo
Khi tiến hành dự án, các chuyên gia thủy sản Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn bà con phân chia tỷ lệ 1:3 giữa ao tôm và diện tích dừa. Trong diện tích nước phải có ao ương tôm giống thời gian 3 tháng và cắt bỏ càng tôm trước khi thả ra ao tôm thương phẩm. Đặc biệt, kiểm soát triệt để vấn đề môi trường ao nuôi và đảm bảo đủ thức ăn cho tôm.
“Những tưởng chiếc Kobe dây làm thất thoát diện tích trồng dừa của chúng tôi, ai dè chính những ao đủ lớn này lại mới đúng tỷ lệ chuẩn của mô hình - đó là một điều kiện thuận lợi bất ngờ cho chúng tôi. Việc cắt bỏ càng tôm sau 3 tháng ương là một kỹ thuật loại bỏ khả năng khi khai thác, tôm bị rớt loại 1 vì tôm vướng càng vào dây. Ngoài ra, điều kiện môi trường nước bị ô nhiễm, tôm bị thiếu thức ăn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tôm khó phát triển và bị rớt khỏi loại 1. Mà tôm loại 1 giá cao hơn gần 200 ngàn đồng/kg so với loại 2, 3” - ông Đoàn chia sẻ.
Ao ương 1.200m2 đã tạo điều kiện thuận lợi và khá an toàn để ông Đoàn luân canh từ 3 vụ trong năm với tổng số khoảng gần 8.000m2 diện tích mặt nước còn lại (chia thành 3 ao). Áp dụng kỹ thuật của các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ rất hay nhưng sau quá trình nuôi, ông phát hiện do mình cắt càng nhiều khi không đúng khớp nên đã nghĩ ra cách cầm chắc càng cho tôm búng và càng tự rời ra, quả thật tỷ lệ tôm đạt loại 1 cao hơn hẳn.
Ngoài ra, tôm sau 2 tháng tuổi, ông tranh thủ lượng thức ăn tươi sống từ các chủ ghe lưới, ghe cào ở địa phương cho tôm ăn, tôm lớn nhanh mà chi phí thức ăn giảm được khoảng 30% so với thức ăn công nghiệp. Hiện tỷ lệ thất thoát khi thu hoạch chỉ còn khoảng 60%. Năm 2015, ông thu được tổng cộng 1,5 tấn tôm càng loại 1, giá bán gần 500 ngàn đồng/kg. Hiệu quả khác nữa đó là sau mỗi lần ương hay thu hoạch tôm thịt, ông đều bơm đất lên liếp dừa và dừa trái ngày càng to và sai hơn trước.
Nhân rộng mô hình
Ông Võ Văn Ân - Bí thư Đảng ủy xã Thới Thạnh cho biết, 51 hộ có đất dọc với đất ông Đoàn đã tham gia mô hình, nâng tổng diện tích lên gần 60ha (vẫn theo tỷ lệ 1:3, nghĩa là có khoảng 20ha mặt nước). Được hỗ trợ của chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú thành lập tổ hợp tác tôm càng xanh nuôi xen trong mương vườn dừa. Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đúng theo Nghị định số 151 của Chính phủ nên những hộ tham gia đều được tập huấn đầy đủ kỹ thuật, vốn vay (tối đa 50 triệu đồng/hộ) sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong 6 tháng. Hơn 20 hộ nghèo trong tổ này (trước năm 2012) đều đã thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn. Chính quyền xã cũng đã tiến hành nhân rộng mô hình ra một số ấp trên địa bàn xã.
“Cùng với mô hình nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa, mô hình nuôi xen trong mương vườn dừa sẽ được chúng tôi nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây được xem là mô hình phi công trình hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn trên vùng đất Thạnh Phú”, ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú khẳng định.
“Ao nhỏ sẽ không thể tạo ra được môi trường tự nhiên lý tưởng cho con tôm càng xanh, không có ao ương, con tôm sẽ hao hụt rất cao vì chịu sự bức hại của đồng loại cũng như những sinh vật nuôi khác trong nước. Đó là 2 cái lỗi lớn nhất của mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa tại tỉnh Bến Tre. Khắc phục được 2 vấn đề cơ bản này, tôi nghĩ tiềm năng của diện tích gần 70 ngàn héc-ta dừa của tỉnh sẽ cho một lượng khá lớn tôm càng xanh thương phẩm. Tôi nghĩ ngành Nông nghiệp Bến Tre cần nhân rộng cách làm của anh Đoàn sang các khu vực có cùng điều kiện tương tự”. (PGS.TS Dương Nhựt Long - Trưởng Bộ môn Thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ)
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ