Nuôi bò Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái

Cách xác định bò động dục và thời điểm phối giống thích hợp cho bò cái

Tác giả Khuyennongvn, ngày đăng 23/04/2018

Để giúp bà con chăn nuôi xác định đúng thời điểm động dục của bò cái, chúng tôi xin giới thiệu một số dấu hiệu nhận biết như sau.

(Ảnh minh họa)

 

1. Thời điểm bò cái bắt đầu động dục và thời điểm phối giống thích hợp

Bò có thể bắt đầu động dục lần đầu từ khi 13 - 15 tháng tuổi, tùy thuộc vào giống bò, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, khí hậu,... nhưng không nên cho bò phối giống vào lúc này vì khi đó bò cái chưa trưởng thành về thể vóc nên khi mang thai sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bò cái và con bê sinh ra. Khi bò cái trên 16 tháng tuổi, có thể vóc to lớn thì mới bắt đầu phối giống.

Chu kỳ động dục trung bình là 21 ngày, nhưng thường dao động trong khoảng từ 18 - 22 ngày.

 

Thời gian mỗi lần động dục ở bò khá biến động, kéo dài trong khoảng 6 - 36 giờ nhưng phổ biến là 18 - 24 giờ. Tuy nhiên, khoảng thời gian phối giống cho bò dễ có chửa chỉ kéo dài trong khoảng 10 - 12 giờ.

Thường thì người ta chọn thời điểm phối giống theo quy luật sáng - chiều, tức là nếu thấy bò có biểu hiện động dục buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều, nếu bò động dục buổi chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau.

2. Những dấu hiệu nhận biết bò cái động dục

- Bò giảm ăn, hay nhớn nhác nhìn ngó, kêu rống

- Quay đầu ra sau hít ngửi âm hộ

- Nhảy lên lưng con khác hoặc để con khác nhảy

- Âm hộ sưng đỏ

- Chảy nước nhờn, ban đầu trong, lỏng sau keo lại và chuyển dần sang màu trắng đục

- Kiểm tra bên trong thấy tử cung cứng hơn bình thường    

3. Cách phối giống cho bò cái

* Phối giống trực tiếp bằng bò đực

Đối với chăn nuôi bò sinh sản hướng thịt, hoặc những vùng sâu, vùng xa không có cán bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thì phải phối giống cho bò cái bằng cách phối giống trực tiếp bằng bò đực. Để đảm bảo chất lượng con giống và sức khỏe đàn bò, cần chú ý:

- Chọn bò đực có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp (thường dùng bò lai Sind) phối giống trực tiếp với bò cái khi bò cái động dục.

- Không cho phối khi bò đang bị bệnh vì bệnh truyền nhiễm có thể truyền từ con đực sang con cái và ngược lại.

* Phối giống bằng thụ tinh nhân tạo

Đối với chăn nuôi bò sữa nên chọn hình thức phối giống bằng thụ tinh nhân tạo để chọn lựa những giống có năng suất sữa cao, đồng thời giảm mắc các bệnh truyền lây cho bò:- Chọn kỹ thuật viên có tay nghề, dụng cụ bảo quản tinh trùng đảm bảo.

- Chọn lựa tinh giống phù hợp với giống bò cái đang nuôi để tránh cận huyết

Sau khi phối giống, bà con ghi chép thời điểm phối giống và theo dõi kết quả phối giống, nếu sau 3 tháng không thấy bò động dục trở lại và bò tăng lên về kích thước, khối lượng cơ thể thì có thể bò đã chửa. Nếu chắc chắn, cần mời cán bộ chuyên môn khám thai cho bò bằng cách kiểm tra thai qua trực tràng.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-bien-phap-nang-cao-suc-sinh-san-o-bo-sua-bo-thit Một số biện pháp nâng… giam-dau-cho-be-bi-cat-sung Giảm đau cho bê bị…