Mô hình kinh tế Cần có ngay giải pháp cứu lấy con tôm

Cần có ngay giải pháp cứu lấy con tôm

Ngày đăng 02/05/2015

Tôm chết ở nhiều nơi

Dưới cái nắng gay gắt tháng Tư, người nuôi tôm như đang ngồi trên đống lửa. Nhiệt độ môi trường tăng làm cho tôm nuôi dễ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ thiệt hại cao. Ở các địa phương như Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu, Giá Rai, nhiều người đã mất trắng vụ tôm.

Ông Nguyễn Thành Sơn (ấp Cây Gừa, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Tôi nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy con tôm khó nuôi như năm nay. Từ trước Tết Ất Mùi 2015 đến giờ, thời tiết nắng nóng lại kèm theo những cơn mưa trái mùa làm cho tôm dễ bị chết. Nếu tôm không chết vì sốc môi trường thì cũng chết vì bệnh.

Những ai cứu được thì con tôm cũng chậm phát triển, nuôi hoài không lớn. Nhiều hộ đã bị thiệt hại do tôm nhiễm bệnh”. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Bên cạnh đó, dịch bệnh tôm cũng đã làm nhiều bà con ngán ngại trong việc thả giống. Một số ít hộ dân do nóng ruột nên đánh bạo thả giống bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi, và hậu quả là tôm giống thả đến đâu thì thiệt hại đến đó.

Anh Kim Hoàng Dung (ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) nói: “Tôi có 5 ao nuôi tôm với diện tích 12 công và đã bị thiệt hại liên tiếp 4 vụ, lỗ gần 100 triệu đồng. Nguyên nhân là tôm bị bệnh hoại tử gan tụy, và nhiệt độ tăng cao làm con tôm bỏ ăn. Giờ tôi chỉ biết phơi ao để chờ thời tiết thuận lợi hơn mới thả tôm giống”.

Có thể thấy, con tôm ở vùng Bắc lẫn vùng Nam Quốc lộ 1A đang đứng trước nhiều rủi ro. Đó là chưa kể thời điểm giao mùa đang đến gần và nguy cơ thiệt hại sẽ còn tăng cao khi môi trường đột ngột thay đổi.

Những giải pháp bảo vệ tôm nuôi

Theo ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: “Để phòng trị các bệnh nói trên, bà con cần làm tốt các biện pháp sau: Trước khi thả giống phải cải tạo ao thật kỹ, xử lý nước thật tốt và chọn con giống sạch bệnh. Luôn duy trì mực nước trong ao cao từ 1,2 - 1,5m, ổn định độ kiềm, độ pH.

Bởi, khi nắng nóng trên 32oC thì con tôm sẽ ngừng ăn và trốn xuống tầng đáy vùi mình trong bùn, do đó sẽ dễ nhiễm độc. Bà con nên chú ý diệt tảo, vì trong mùa này các loại tảo lam và tảo giáp phát triển rất mạnh, chúng sinh độc tố gây hại tôm, hoặc khi tảo tàn làm tôm chết vì thiếu ôxy. Thả xen cá rô phi trong ao để kiềm chế bệnh vi trùng bào tử EHP. Nên cho tôm ăn ít để không có thức ăn thừa trong ao. Đặc biệt, khi phát hiện tôm chết cần giảm ngay 50% lượng thức ăn…”.

Trên thực tế, đã có không ít nông dân thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp kết hợp với kinh nghiệm sản xuất của bản thân, từ đó giúp con tôm trụ vững trong mùa nắng nóng. Đơn cử như anh Trần Mã Hưng (ấp Giồng Giữa B). Anh Hưng cho rằng: “Tôi luôn tuân thủ những khuyến cáo của các nhà khoa học và ứng dụng vào nuôi tôm.

Bảo vệ ao tôm trong mùa nắng nóng là rất khó, nhất là giữ ổn định môi trường cho tôm nuôi. Theo kinh nghiệm của tôi, có thể trộn thêm cà chua và chuối chín xay nhuyễn vào thức ăn tôm để bổ sung khoáng chất, tăng đề kháng cho tôm”. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như tuân thủ lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp nên anh Hưng đã trúng liên tục hơn 6 vụ tôm gần đây.

Thiết nghĩ, thời gian tới, ngành quản lý và các nhà khoa học cần tổ chức những hội thảo, có những công trình nghiên cứu để giúp nông dân khắc phục tình trạng tôm chết, hướng đến mô hình nuôi tôm bền vững.


Có thể bạn quan tâm

nghè-khai-thác-và-uong-nuoi-tom-hùm-dày-thách-thúc Nghề khai thác và ương… khai-thac-thuy-san-dang-thuan-loi Khai thác thủy sản đang…