Tin nông nghiệp Cần một chương trình duy tu kênh rạch Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cần một chương trình duy tu kênh rạch Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tác giả Trần Chúc, ngày đăng 15/07/2016

Đó là ý kiến đề xuất của các đại biểu tại Hội thảo Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt vùng ĐBSCL, do Bộ NNPTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 13.7.

ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Theo thống kê toàn vùng đã có khoảng 208.000ha lúa bị thiệt hại, trong đó 60% bị thiệt hại nặng và nhiều vùng bị mất trắng. Ngoài ra, khoảng 9.000ha cây ăn quả và hơn 2.000ha thủy sản bị ảnh hưởng, trên 2.000 hộ nông dân rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TNMT), từ năm 2014 đến nay, do tác động của hiện tượng El Nino nên mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Từ đầu năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90km.

Những hạn chế này đòi hỏi những giải pháp tổng thể, trước hết là đảm bảo an ninh nguồn nước. Hiện nay, tài nguyên nước vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những tồn tại, thách thức vô cùng to lớn.

Đưa ra một số giải pháp công trình ứng phó, TS Ngô Quang Toản – Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đề xuất: Cần rà soát lại quy hoạch lũ ĐBSCL trong bối cảnh có xét đến các tác động bất lợi về dòng chảy lũ, số lượng lũ vừa và nhỏ sẽ tăng, trong khi ngập vùng ven biển và trung tâm ĐBSCL có xu thế gia tăng do ảnh hưởng của nước biển dâng. Bên cạnh đó, ưu tiên các cống ngăn mặn cặp theo sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm và sâu theo các dòng chính và cùng các trường hợp mặn rút muộn hoặc bất thường.

Còn PGS-TS Trịnh Công Vấn - Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong cho rằng: “Công tác nạo vét kênh rạch ở ĐBSCL rất quan trọng, nhằm duy trì sự phát triển châu thổ một cách bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, việc nạo vét kênh rạch ở khu vực này càng trở nên cần thiết và luôn là sự đầu tư không hối tiếc. Vì vậy, kiến nghị Bộ NNPTNT xây dựng một đề án (hay chương trình) để Chính phủ phê duyệt nhằm quản lý vận hành duy tu hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL, trong đó xây dựng một chương trình dài hạn cho công tác nạo vét.


Có thể bạn quan tâm

1-001-ly-do-ngo-doc-thuoc-tru-sau-o-vung-cao 1.001 lý do ngộ độc… tiep-von-nuoi-de-giup-nong-dan-co-cua-an-cua-de Tiếp vốn nuôi dê giúp…