Mô hình kinh tế Cần Một Hướng Mở Cho Người Nuôi Tôm Ở Quảng Xá

Cần Một Hướng Mở Cho Người Nuôi Tôm Ở Quảng Xá

Ngày đăng 09/08/2013

Trong chuyến công tác về xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh, Quảng Trị), tình cờ chúng tôi được gặp những người nông dân trong Hiệp hội nuôi tôm Quảng Xá. Hầu hết những nông dân này đều ở độ tuổi 7X, là những người cần cù, năng động và có nhiều sáng tạo trong làm ăn. Tuy nhiên, do rủi ro trong sản xuất dẫn đến nhiều người phải trắng tay, nợ ngân hàng và điều quan trọng hơn đó là họ chưa có định hướng mới trong sản xuất với những ao hồ nuôi tôm kém hiệu quả như hiện nay.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2002, vùng Biền Su, khu tam giác giữa ngã ba sông Hiền Lương và sông Sa Lung có một số diện tích ruộng nhiễm mặn, gieo cấy lúa năng suất thường đạt thấp, nhiều năm thất thu do thiếu nước. Anh Hoàng Trọng Hùng, một nông dân trẻ của làng Quảng Xá cùng với các hộ trong làng đã mày mò, học hỏi cách nuôi tôm sú (tôm nước lợ) đưa về làm thử nghiệm trên đồng đất quê mình.

Bước đầu, mỗi vụ tôm cũng cho thu lãi bình quân vài chục triệu đồng trên một ao nuôi. Nhận thấy nuôi tôm có hiệu quả hơn trồng lúa nên nhiều nông dân đã tích lũy vốn mở rộng đầu tư thâm canh. Để khai thác tiềm năng vùng nhiễm mặn ven sông, xã Vĩnh Lâm đã có chủ trương tạo điều kiện, khuyến khích nông dân mở rộng quy mô để phát triển nghề nuôi tôm sú bán thâm canh.

Toàn bộ diện tích của vùng Biền Su, Kim C, Au Lau và một số diện tích thuộc quỹ đất 5% của xã dọc sông Sa Lung được chuyển sang nuôi tôm sú. Đây là thời điểm Vĩnh Lâm đang thực hiện chương trình “dồn điền, đổi thửa” vì vậy, những hộ có điều kiện vay vốn, năng động trong làm ăn đã đổi ruộng cho các hộ khác có diện tích trong vùng này để làm hồ nuôi tôm sú.

Để mở rộng diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, năm 2003 cùng với dự án phát triển nuôi trồng thủy sản Bắc sông Bến Hải, Sở Thủy sản (cũ) đã đầu tư cho xã Vĩnh Lâm 700 triệu đồng để xây dựng vùng nuôi tôm bán công nghiệp ở Quảng Xá, chủ yếu vùng Au Lau, với diện tích 5,1 ha mặt nước.

Các hạng mục được xây dựng bao gồm: trạm bơm, đê bao, mương dẫn và thoát nước bằng bê tông. Đến năm 2008 nhà nước tiếp tục đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây dựng lưới điện hạ thế và đường giao thông. Tổng kinh phí nhà nước đầu tư cho khu nuôi tôm bán công nghiệp này lên đến trên 2,2 tỷ đồng. Diện tích nuôi tôm cũng được mở rộng lên 23,5 ha. Trong tổng số 230 hộ của làng Quảng Xá có tới 49 hộ tham gia dự án nuôi tôm sú.

Những năm đầu thực hiện nuôi tôm theo quy trình bán công nghiệp này phát triển tốt, không chỉ về năng suất mà chất lượng tôm thương phẩm cao, rất được thị trường ưa chuộng. Thời kỳ cao điểm nhất có lúc sản lượng tôm lên đến 82 tấn, cho thu nhập từ 14 đến 16 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nuôi tôm thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Trương Đình Thông, trên diện tích gần 0,6 ha, ông thu lãi mỗi năm từ 250 đến 300 triệu đồng.

Thế nhưng 3 năm lại đây toàn bộ diện tích này hầu như mất trắng, người nuôi tôm rơi vào cảnh bế tắc. Vào mùa vụ ai cũng hăm hở, vay vốn, chọn giống, chọn đại lý đầu tư thức ăn, thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất. Mỗi hộ “ném” ra hàng trăm triệu đồng để rồi chưa đầy một tháng từ khi xuống giống tôm chết trắng hồ. Nhiều người nuốt nước mắt để xử lý ao hồ làm lại vụ hai nhưng kết cục đem lại vẫn con số không.

Đến đầu tháng 8/2013 cả vùng nuôi tôm bán công nghiệp Quảng Xá chỉ còn lại hai hồ thả nuôi lần hai đang hoạt động, 51 hồ trơ đáy, phơi hồ. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy từ mồ hôi, công sức của những năm trước đều dồn vào 3 năm nay để rồi mất sạch, nợ nần không trả được.

Ông Hoàng Trọng Hùng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm cho biết, đã 3 năm nay người nuôi tôm ở Quảng Xá thua lỗ nặng, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, trong số 49 hộ nuôi tôm của làng Quảng Xá hiện tại có 30 hộ còn nợ vốn của ngân hàng 3,8 tỷ đồng, chưa kể đồng vốn tự có hoặc vốn vay từ các kênh khác để đầu tư cho nuôi tôm.

Chỉ tính riêng hộ ông Hoàng Trọng Hùng, trên diện tích 0,8 ha, mỗi năm ông đầu tư mua con giống, dịch vụ môi trường, nước, điện và thức ăn cho tôm trong vòng 1 tháng đã lên đến gần 190 triệu đồng. 3 năm liên tục tôm chết, gia đình ông mất đi khoảng 560 triệu đồng, hiện gia đình ông còn nợ ngân hàng trên 150 triệu đồng.

Hoặc như hộ ông Hoàng Kim Chiến, đã đổi ruộng gieo cấy lúa để lấy 0,5 ha mặt nước nuôi tôm, 3 năm liên tục tôm chết không những thất thu, không có ruộng để trồng lúa mà còn kéo theo khoản nợ vay trên 200 triệu đồng. Hộ các ông Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Văn Lương, với diện tích chưa đầy 0,3 ha cũng phải nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng. Trước lúc chia tay tôi, ông Hoàng Trọng Hùng buông tiếng thở dài với câu nói “tôi sợ nhất là ngày 25 hàng tháng”. Tôi hiểu ra, đó là thời điểm ông phải trả lãi cho ngân hàng.

Nguyên nhân dẫn đến tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do ở khâu con giống, thường là không được kiểm định chất lượng khi nhập. Các nhà chuyên môn thì cho rằng tôm chết vì bị bệnh gan lỵ cấp tính, bệnh đầu vàng… nhưng nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh thì vẫn chưa rõ.

Vấn đề nan giải hiện nay đó là người nuôi tôm ở Quảng Xá chưa tìm ra hướng đi mới để khai thác diện tích ao hồ này. Một số hộ thực hiện dồn điền, đổi thửa, đổi ruộng lấy hồ tôm nên không có ruộng để sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, chưa kể tiền lãi vay hàng tháng phải trả cho ngân hàng.

Nông dân Quảng Xá rất cần sự quan tâm của nhà nước trong việc định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trước mắt cần có giải pháp hỗ trợ nông dân giải quyết nguồn vốn vay đầu tư nuôi tôm bị thua lỗ.

 Là xã điểm của tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thôn Quảng Xá nói riêng, xã Vĩnh Lâm nói chung đang cần những định hướng mới trong đầu tư phát triển kinh tế, để đến năm 2015 Vĩnh Lâm thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-nuoi-ca-tra-gioi-vung-dong-bang-song-cuu-long-nam-2013 Nông Dân Nuôi Cá Tra… nuoi-trong-thuy-san-tai-vo-ninh-can-bao-dam-tinh-ben-vung Nuôi Trồng Thủy Sản Tại…