Trồng lúa Chăm sóc lúa vụ xuân 2019

Chăm sóc lúa vụ xuân 2019

Tác giả KS. Phạm Thị Hiên, ngày đăng 07/06/2019

Trong những ngày vừa qua, thời tiết liên tục có nắng ấm, mạ sinh trưởng phát triển tốt, lúa cấy xuống nhanh bén rễ hồi xanh, để chủ động giành vụ xuân thắng lợi, bà con cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc như sau:

1. Chế độ nước tưới: 

- Với lúa cấy:  Vụ xuân nên lấy nước làm áo, sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa và giúp cho cây nhanh bén rễ hồi xanh. Không để ruộng quá khô gặp rét lúa có thể bị chết.

- Đối với lúa gieo thẳng: Sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng để giúp cây con nhanh ngồi, rễ ăn sâu, cây khoẻ.

Khi cây đạt 2,5 - 3 lá đưa nước láng chân và tiến hành bón nhử bằng 2-3 kg đạm ure hoặc 3-4 kg NPK chuyên thúc.

Từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh (cả lúa cấy và lúa gieo thẳng) thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây. 

2. Dặm tỉa

Đầu vụ thời tiết ấm, có thể mật độ gieo cấy dày. Mật độ quá dày lúa sẽ đẻ ít, sâu bệnh nhiều. Nên chủ động tỉa bỏ phần gieo dày dự phòng, tảng mạ dự phòng ngay từ đầu vụ để mật độ thưa.

- Với lúa gieo thẳng: cây cách cây khoảng 8 - 10 cm, sạ hàng khoảng 18 - 20 cây/1m dài, đảm bảo 90 – 100 cây/m2. 

- Với lúa cấy: Những giống đẻ khoẻ như lúa lai, BC15… tỉa dặm khoảng 28 - 30 khóm/m2, giống lúa đẻ trung bình như TBR1….khoảng 32 - 35 khóm/m2.

3. Phân bón và kỹ thuật bón phân

- Thời gian vừa qua, thời tiết có nắng ấm lúa sinh trưởng nhanh, với lúa cấy sớm trước tết Nguyên Đán đến nay lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Với diện tích này bà con cần khẩn trương tiến hành bón thúc ngay, tiến hành bón thúc rải và tăng lượng phân 10-15% so với mọi năm:

Lần 1: Khi lúa bén rễ hồi xanh và thời tiết ấm (trên 150C) bón 2/3 lượng NPK chuyên thúc (các loại NPK có hàm lượng cao như 16:16:8, 12:5:10, 16:5:17…)

Lần 2: Tùy thuộc điều kiện thời tiết có thể bón thúc lần 2 sau lần 1 từ 18-20 ngày, bón hết lượng phân thúc. 

- Với lúa cấy mạ nền cứng và gieo thẳng đúng thời vụ sau tết Nguyên Đán, khi lúa đã bật lá nõn (lúa cấy) hoặc được 2,5-3 lá (lúa gieo thẳng) cần bón tập trung 1 lần hết lượng phân thúc.

- Khi lúa bắt đầu phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, sức sinh trưởng của cây, chân đất…) có thể bón bổ sung 3-4 kg Kali/sào hoặc 3-4 kg NPK nuôi đòng, nuôi hạt.

Lưu ý: 

- Về phòng trừ ốc bươu vàng: Nên chủ động bắt ốc và loại bỏ những ổ trứng bằng biện pháp thủ công để hạn chế sinh sản của ốc.

Khi đưa nước vào ruộng nên có lưới chắn lọc nước để hạn chế ốc theo đường nước vào gây hại cây con.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và phòng trừ theo hướng dẫn của chi cục trồng trọt và BVTV; Đặc biệt với lúa cấy sớm trước tết cần lưu ý phòng bệnh đạo ôn sớm.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-luu-y-chon-giong-thoi-vu-gieo-cay-vu-xuan-nam-2019 Một số lưu ý chọn… phong-tru-oc-buou-vang-vu-he-thu Phòng trừ ốc bươu vàng…