Chờ Giải Pháp “Cứu” Vườn Vú Sữa Suy Kiệt
“Mấy năm gần đây, nhiều vườn vú sữa Lò Rèn xuống sức thấy rõ. Nếu tiếp tục duy trì thì không thu được bao nhiêu mà lại mất thời gian nên nhiều hộ ở đây đã đốn vú sữa để trồng sa pô” - Đó là lời phản ánh của ông Nguyễn Văn Hòa, một nông dân kỳ cựu trồng vú sữa ở ấp Mỹ (Kim Sơn, Châu Thành - Tiền Giang).
Phục hồi không được thì chuyển đổi
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, nhà ông có 3 công vườn trồng chuyên vú sữa và 3 công trồng xen vú sữa và sa pô. Những năm trước đây, 3 công vườn chuyên canh vú sữa phát triển rất tốt, cây cho trái to và đẹp mang lại thu nhập rất khá. Không hiểu sao mấy năm gần đây, cây xuống sức rất nhanh, lá nhỏ, trái nhỏ và năng suất cho trái cũng giảm theo, cành bắt đầu bị khô dần, mỗi vụ thu hoạch bán không được bao nhiêu.
Năm rồi, cả vườn thu hoạch chỉ bán được mười mấy triệu đồng. Theo ông Hòa, ở khu vực này có nhiều vườn vú sữa cũng bị suy kiệt như thế, chỉ có khác ở chỗ là cây bị suy ít hay nhiều mà thôi. Những vườn bị nặng, nông dân đốn chuyển sang trồng sa pô hay những cây ăn trái khác. Kỹ sư có đến khảo sát, nghiên cứu và hướng dẫn cách phục hồi nhưng cũng không thành công, cuối cùng đành đốn bỏ.
Câu chuyện như trên cũng được nhà vườn các xã: Kim Sơn, Vĩnh Kim và Bàn Long (Châu Thành) bàn tán về tình hình vú sữa suy thoái dẫn đến suy kiệt và chết với những biểu hiện rất giống nhau là lá nhỏ, trái nhỏ, năng suất giảm dần rồi khô cành. “Năm nay cây vú sữa xuống nhanh quá chú ơi! Trước đây cây cũng bị xuống nhưng không nhanh bằng năm nay. Cây cho trái nhỏ, năng suất thấp; lượng trái bị thối, héo nhiều; trên cây xuất hiện nhiều cành khô và thu hoạch bán không được bao nhiêu.
Tình trạng này đã có ở những năm qua nhưng qua mỗi năm cây suy yếu nặng hơn, tỷ lệ cành khô cũng nhiều hơn. Hiện nay, nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn bị thua nặng. Tình trạng này gần như nơi nào cũng có”- ông Đặng Văn Hai, ấp Long Hòa B, xã Bàn Long cho biết. Hiện tại ông Hai có 2 công vườn trồng vú sữa khoảng 7 năm. Đây là giai đoạn cây cứng cáp và cho huê lợi ổn định vậy mà bị suy kiệt nhanh như thế khiến ông không khỏi xót xa.
Dẫn chúng tôi tham quan 2 công vườn chuyên canh vú sữa cách nhà không xa, ông Nguyễn Văn Bé, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim cho biết, chủ vườn này đang chuẩn bị đặt sa pô. Trước mắt chúng tôi, cả vườn vú sữa cây nào cũng có từ 50-80% cành khô trơ không còn lá; những nơi còn lại lá cũng lưa thưa và rất nhỏ. Về phần mình, ông Bé cho biết gia đình có 5 công vú sữa trồng cách nay 30 năm. Do mấy năm qua cây giảm năng suất mạnh, khô cành và cỗi đi nhanh quá nên ông đã đốn bỏ dần đến giờ chỉ còn lại 5-6 cây.
“Nếu như trước đây tình trạng cây suy kiệt xảy ra phần lớn ở vườn vú sữa già cỗi thì nay xảy ra cả những vườn “trẻ”. Có người thay đất, bón phân, tưới nước cho cây nhưng cây vẫn suy. Căn bệnh này chúng tôi đã “bó tay” nên phải đốn thôi”- ông Bé cho biết thêm.
“Bó tay”?
Để tìm hiểu rõ hơn tình hình này, chúng tôi tìm đến UBND xã Vĩnh Kim và được ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm gần đây, cây vú sữa suy thoái, giảm năng suất, suy kiệt và chết diễn ra ngày càng tăng nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Trước tình trạng này, có hộ đốn vú sữa Lò Rèn để trồng lại vú sữa tím, sa pô, cây có múi.
Qua khảo sát gần đây cho thấy, số diện tích bị suy kiệt, cỗi, khô cành, giảm năng suất và chất lượng trái chiếm khoảng 20% diện tích vú sữa Lò Rèn của xã, trong đó có khoảng 10 ha đã đốn bỏ. Đối với những nhà vườn còn muốn gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn, sau khi cây bị suy kiệt, họ đã tự đốn rồi trồng lại. Tuy nhiên, sau thời gian đầu phát triển tốt, sau đó cây chựng lại.
“Thời gian qua, một số đoàn chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu tình hình cây vú sữa suy kiệt và chết nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn và khôi phục hiệu quả. Nhà vườn “nóng ruột” tiến hành cắt cành, tỉa nhánh, tăng cường chăm sóc nhưng cây vẫn xuống. Theo kế hoạch của huyện, năm 2013 Vĩnh Kim trồng mới 45 ha vú sữa Lò Rèn, song từ đầu năm đến nay toàn xã chỉ trồng mới 11 ha. Với tình hình này, xã rất khó đạt kế hoạch đề ra”- ông Hải lo lắng.
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, có nhiều nguyên nhân làm cho vú sữa suy kiệt như do vườn không có nước ra vào, một số nơi nguồn nước không đảm bảo; đê bao khép kín dẫn đến đất không có phù sa bồi đắp; mầm bệnh gây khô cành, thối rễ lâu nay vẫn còn lưu tồn trong đất chưa được xử lý triệt để; rồi thời tiết bất thường xảy ra thường xuyên hơn cộng với việc khai thác triệt để khả năng cho trái của cây vú sữa trong thời gian dài trong khi việc chăm sóc trở lại cho cây chưa đúng mức (do giá vú sữa Lò Rèn thấp hơn vú sữa nâu, sa pô )… làm cho cây suy dần.
Đặc biệt, vụ năm rồi vú sữa cho trái nhiều và tập trung chủ yếu vào đợt cuối mà không rải vụ như trước dẫn đến cây xuống sức nhanh. Đã vậy, sau khi thu hoạch, nhà vườn tiến hành làm gốc, bón phân… cho kịp vụ sau nên cây bị “sốc” dẫn đến suy kiệt nhanh hoặc chết. Để phục hồi lại cây, nhiều hộ dân tiến hành tỉa, cắt cành, tạo tán nhưng cây vẫn không phát triển lại được.
“Hiện nay, hàng loạt cây vú sữa Lò Rèn đang bị xuống sức, suy kiệt. Giải pháp khắc phục vấn đề này đến nay vẫn chưa có. Nếu không có giải pháp kịp thời, vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn sẽ khó phát triển bền vững và chủ trương phát triển cây vú sữa Lò Rèn ở vùng chuyên canh này của huyện sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Chúng tôi kiến nghị ngành chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu sớm tìm ra giải pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng này” - ông Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ