Tôm thẻ chân trắng Chọn thức ăn cho cá lóc đầu nhím tránh gù lưng

Chọn thức ăn cho cá lóc đầu nhím tránh gù lưng

Ngày đăng 20/08/2015

Cá lóc đầu nhím đã trở thành đối tượng nuôi quen thuộc của bà con nông dân tại khu vực ĐBSCL. Với những ưu điểm vượt trội như dễ nuôi, năng suất cao, chất lượng thịt ngon và có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, cá lóc đang là đối tượng nuôi chủ lực.

Tuy nhiên, mô hình nuôi cá lóc đầu nhím đang dần bộc lộ những khó khăn. Hiện tượng cá lóc bị dị tật (gù lưng) với tỷ lệ cao trong ao đã làm người nuôi thiệt hại đáng kể. Thương lái mua loại cá gù với giá rất thấp, thậm chí không mua, người dân phải bán cho các hộ làm khô cá lóc lân cận với giá thấp hơn nhiều so với giá thành nuôi.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá lóc bị gù lưng, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là việc lựa chọn thức ăn không phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cá, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển gây dị tật gù lưng. Vì vậy, trong quá trình nuôi, bà con cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Cá lóc là loài ăn động vật điển hình, vì vậy trong giai đoạn 10 ngày đầu khi mới thả cá giống, bà con cần cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tươi sống như cá tạp, ốc xay nhuyễn. Sau thời gian 10 ngày, kết hợp cho ăn thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp bằng cách trộn đều hai loại với nhau.

Tiếp tục cho ăn như vậy nhưng theo hướng ngày càng giảm lượng thức ăn tươi sống và tăng lượng thức ăn công nghiệp, mục đích là làm cho cá lóc quen dần với việc sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Sau khoảng 20 ngày thì bà con có thể cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.

2. Do thói quen và sở thích lựa chọn các loại thức ăn có giá rẻ nên một số hộ nuôi thường sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá rô phi hay cá chẽm để cho cá lóc ăn. Tuy hàm lượng đạm của các loại thức ăn này tương đương với các loại thức ăn chuyên dụng dành cho cá lóc nhưng các thành phần khác như chất béo, chất xơ, khoáng chất… lại không phù hợp.

Ngoài ra, các loại thức ăn này không được khảo nghiệm để cấp phép làm thức ăn chuyên dụng cho cá lóc. Người dân sử dụng các loại thức ăn nói trên không những làm hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) tăng cao mà còn dẫn đến hiện tượng cá bị gù lưng nhiều.

Vì vậy, khi lựa chọn thức ăn công nghiệp, bà con cần lưu ý lựa chọn các loại thức ăn chuyên dụng dành cho cá lóc đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành, nhằm tránh rủi ro thua lỗ do cá bị gù lưng.

3. Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng bệnh. Chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh khi cá trong ao bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh do vi khuẩn, tuy nhiên liều lượng sử dụng cần tuân theo hướng dẫn của nhà SX hoặc các ngành chuyên môn.

Sử dụng kháng sinh để phòng bệnh không những làm cho các dòng vi khuẩn trở nên kháng thuốc mà còn làm cho quá trình phát triển của cá lóc bị gián đoạn, có nguy cơ dẫn đến dị tật gù lưng.

Nên bổ sung vitamin, khoáng chất, canxi định kỳ bằng cách trộn vào thức ăn nhằm làm tăng sức đề kháng của cá, tránh hao hụt do dịch bệnh gây ra.

Với giá bán dao động trung bình ở mức 37.000 – 42.000 đồng/kg, nếu tỷ lệ sống cao và lượng cá gù lưng ít thì người nuôi sẽ có lãi từ 2.000 – 7.000 đồng/kg. Vì vậy, trong quá trình nuôi, bà con cần thận trọng trong việc lựa chọn, sử dụng thức ăn, cũng như cách phối chế với các chất bổ sung nhằm làm giảm đến mức thấp nhất hiện tượng cá bị dị tật.

Thông qua đó, sẽ giúp bà con tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích nuôi, thậm chí làm giàu bằng nghề nuôi cá lóc, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Tags: ca loc dau nhim, thuc an thuy san, nuoi ca loc dau nhim, nuoi thuy san


Có thể bạn quan tâm

ben-trong-trai-nuoi-tom-sieu-tham-canh-doc-dao-o-mien-tay Bên trong trại nuôi tôm… lam-dep-tom-truoc-khi-thu-hoach Làm đẹp tôm trước khi…